Gia đình ông Đỗ Văn Huệ (đội mũ), xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp chuyển đổi diện tích đồi rừng trồng màu kém hiệu quả sang trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao
Năm 2013, ông Đỗ Văn Huệ ở xã Đông Sơn đã chuyển đổi diện tích đồi rừng trồng màu kém hiệu quả sang trồng chè. Do thực hiện đúng quy trình chăm sóc, kỹ thuật thu hái nên hơn 1ha chè của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, trung bình mỗi năm thu hái 8 lứa chè búp và 1 lứa chè cành vào cuối năm để tận thu lá. Đồng thời, chú trọng liên kết từ sản xuất đến chế biến, bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả cao hơn nhiều so với trước.
Trước kia, nhiều hộ do thiếu vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc nên năng suất chè thấp, diện tích cũng từ đó mà giảm. Nhằm khôi phục và quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị cây chè, năm 2019, HTX Hoa, cây cảnh, nông sản thành phố Tam Điệp được thành lập. Hàng năm các 12 thành viên được tập huấn, tham quan, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch, bà con ai cũng phấn khởi.
Bên cạnh đó, HTX chú trọng xây dựng thương hiệu chè Tam Điệp, đến nay đã có 2 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh đó là trà túi lọc và trà ướp sen cao cấp. Năm 2024 phấn đấu có thêm ít nhất 1 sản phẩm đạt OCOP.
Điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng ở Tam Điệp phù hợp sự sinh trưởng và phát triển của cây chè, bởi vậy những năm gần đây diện tích được mở rộng lên gần 150ha ở các xã Đông Sơn, Quang Sơn, phường Trung Sơn. Đặc biệt, để nâng cao giá trị, bà con đã đưa giống chè mới LDP1 vào thâm canh, đồng thời chuyển từ chè cành sang sản xuất chè búp.
Từ chè búp đã chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau như: trà thượng hạng, hộp trà xanh thượng hạng, trà hoa mộc…. được thị trường tin dùng. Đây là tiền đề quan trọng để người dân gìn giữ và phát triển thương hiệu chè Tam Điệp nổi tiếng vốn có từ lâu./.
Phương Loan
Đài PT&TH Ninh Bình – nbtv.vn