Quang cảnh Hội thảo
Dự Hội thảo có lãnh đạo FNF Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo huyện Văn Yên.
Xã Nà Hẩu nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với độ cao trung bình 600 – 700m, nơi cao nhất 1.800m so với mực nước biển. Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có khí hậu mát mẻ, trong lành, nhiệt độ bình quân 23,2 độC, lượng mưa bình quân 1.458,0 mm/năm, độ ẩm 85%, thường xuất hiện sương mù.
Cảnh quan của bãi đá, hệ thống hang động và thác nước, vườn dương xỉ và những sống lưng khủng long của bãi đá Nà Hẩu tạo thành một cảnh quan thiên nhiên vô cùng đẹp và hiếm.
Qua quá trình khảo sát, quy hoạch thực tế tại khu vực bãi đá, có tổng diện tích khoảng 202.304.5m2. Trong đó vùng lõi dự kiến quy hoạch 3 điểm là 37.987.7 m2 gồm: Khu vực ruộng lúa dưới lòng khe có diện tích đất 23.970.9 m2; khu vực check in có 2 khu đất tại điểm khu check in diện tích đất là 2.498.1 m2, đối diện bên đường là diện tích đất 3.366.9; khu vực bãi ngô có diện tích là 8.151.8 m2; diện tích khoanh vùng bảo vệ 154.316.8 m2; diện tích phân khu hành chính, dịch vụ dự kiến quy hoạch 10.000m2 cho phép xây dựng trụ sở của Ban quản lý cảnh quan Bãi đá Nà Hẩu (điểm quy hoạch đỉnh dốc Ba Khuy giáp ranh giữa 3 xã Nà Hẩu, Đại Sơn và Mỏ Vàng). Tổng số hộ có đất trong vùng quy hoạch là 18 hộ, đang canh tác sử dụng đất tại bãi đá.
Hiện nay, đối với vùng lõi nên có chủ trương thu hồi diện tích bãi đá ở khu vực đã được quy hoạch để bảo vệ, chỉnh trang, đầu tư cho phát triển du lịch. Đối với khu vực mở rộng đá bảo vệ cần bố trí vị trí cho việc xây dựng các công trình của một Ban quản lý Bãi đã cổ Nà Hẩu như: nhà điều hành, nơi để xe, nơi cung cấp các dịch vụ thuê trang phục, ăn nhẹ, vệ sinh, ăn nhẹ trước hoặc sau tham quan, mua các kỷ vật, sản phẩm địa phương, dịch vụ khác, quy hoạch đường giao thông nội bộ tạo cung đường tham quan bãi đá; cần có quy hoạch tầm nhìn cho bãi đá để quan sát từ xa, quy hoạch loại cây hợp lý để tạo môi trường, các điều kiện phục vụ du lịch, cây trồng lâu năm trên đất để tạo thành màu xanh, bảo vệ không khí, môi trường kết hợp phát triển du lịch.
Đối với điểm quy hoạch làm khu vực nhà điều hành nên có chính sách đặc thù riêng để kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp vào xây dựng phát triển du lịch.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá giá trị cảnh quan của bãi đá Nà Hẩu, báo cáo về địa chất ở vùng núi miền Bắc và khu vực Văn Yên cũng như của bãi đá Nà Hẩu. Các chuyên gia cũng đã tham luận các ý kiến về quy hoạch, xây dựng cảnh quan, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng và phát triển kinh tế vùng…
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp bảo vệ Bãi đá thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên” góp phần phát triển du lịch cộng đồng nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch huyện Văn Yên giai đoạn 2021-2025, đặc biệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14 ngày 10/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xây dựng huyện Văn Yên phát triển theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.
Tổ chức FNF (Friedrich Naumann Foundation vì Tự do) là một tổ chức phi chính phủ của Đức, thành lập năm 1958. Các hoạt động của FNF dựa trên giá trị căn bản về tự do. Tại Việt Nam, văn phòng đại diện của FNF được thành lập từ năm 2012. Dựa trên các dự án hợp tác, FNF Việt Nam tổ chức các chương trình đối thoại, hội thảo và thúc đẩy việc trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Đức về nhiều chủ đề thời sự như giáo dục đào tạo, xã hội mở và số hóa, tương lai nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Khánh Chi (Trung tâm TT-VH huyện Văn Yên)
Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn