Xã Can Hồ (Mường Tè – Lai Châu): Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Xã Can Hồ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu ) có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống (Si La, Hà Nhì và Mông). Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Những năm qua, xã luôn coi trọng việc phát hiện, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Can Hồ là xã có tiềm năng phát triển các sản phẩm như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lòng hồ, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch như quảng bá, trao đổi, mua bán sản phẩm chủ lực như: khoai sọ, măng đắng… của huyện Mường Tè nhân dân các dân tộc có nền văn hóa đa dạng và phong phú gồm dân tộc Si La, Hà Nhì và Mông, nhân dân các dân tộc vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như trang phục, đạo cụ, nhạc cụ, đan lát….

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã và nhân dân trên địa bàn đã thực hiện tốt việc giữ gìn bản sắc văn hóa, nhờ đó những bộ trang phục truyền thống, những câu hát, điệu múa được nhân dân duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cộng đồng dân cư, đến nay 5/5 bản (100%) bản có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Hệ thống thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng… đã được quan tâm xây dựng. một số nhà văn hóa bản đã phát huy hiệu quả tích cực, đóng góp quan trọng trong công tác tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền tại các bản.

Lãnh đạo xã Can Hồ tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa

Để đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã, sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của nhân dân các dân tộc và không thể thiếu đó là sự đầu tư, hỗ trợ về kinh phi, về chuyên môn của tỉnh và các phòng ban chuyên môn của huyện.

UBND xã tích cực triển khai, thực hiện tốt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên như: Hình thành 02 điểm có đặc trưng về văn hoá dân tộc gắn với xây dựng Nông thôn mới để tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng và quảng bá nét văn hoá truyền thống đặc sắc các dân tộc. Duy trì, phục dựng, nâng cấp các bản xây dựng hằng năm 1 đến 2 Lễ hội và bảo tồn nét đặc sắc văn hoá (của Si La) gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã, du lịch sinh thái lòng hồ gắn với trải nghiệm văn hoá tốt đẹp dân tộc Si La như : Lễ nghi thức lên nương, Lễ Mừng cơm mới của người Si La và Lễ cúng bản của người Hà Nhì.

Từ đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với phát triển du lịch đã được tăng cường; đồng thời, xã đã tập trung triển khai rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng tâm, trọng điểm; định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện khuyến khích phát huy các sản phẩm du lịch có lợi tại bản Seo Hai, bản Nậm Lọ, Sì Thâu Chải, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy xã hội hoá lĩnh vực du lịch…

Đặc biệt. thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế xã hội, UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc tổ chức khảo sát tại bản Seo Hai, xã Can Hồ trở thành bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Trình tự thủ tục hồ sơ hiện nay đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương phê duyệt.

Thời gian tới, để thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong xã Can Hồ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nhằm nâng cao trình độ dân trí, nhận thức cho nhân dân về công tác bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống đẹp các dân tộc.

Kiến nghị, đề xuất với cấp tỉnh, cấp huyện đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn đến các bản, giao thông nội bản, các thiết chế văn hóa tại địa phương để góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển, từ đó góp phần phát triển, mở rộng, nâng cấp chất lượng của hệ thống du lịch cộng đồng tại địa phương. Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất du lịch cho các điểm du lịch cộng đồng cũng như hỗ trợ hoặc có các chính sách hỗ trợ, tập huấn cho các cá nhân, hộ gia đình, Hợp tác xã kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch tại cộng đồng.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, an ninh nông thôn tại địa phương. Có các chính sách chặt chẽ, rõ ràng, thông thoáng, thuận lợi cho khách vào tham quan, du lịch tại khu du lịch cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền xã cử cán bộ, nghệ nhân tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh khôi phục, giữ gìn các truyền thống văn hóa tốt đẹp cũng như bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan tại địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, các khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tại địa phương nhằm phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Nâng cao vai trò của người dân trong xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa. Trong đó, tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư. Tạo điều kiện cho Nhân dân được tham gia bàn bạc, đề xuất các giải pháp và quyết định các nội dung trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Khi triển khai phong trào ở cơ sở các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến của Nhân dân. Trong các cuộc họp, người dân phải được khuyến khích tham gia ý kiến, từ đó làm cơ sở đưa ra các quyết định, tránh trường hợp cán bộ ấn định chủ quan, dẫn tới mất dân chủ, làm ảnh hưởng tới chất lượng phong trào.

M.T

Báo Lai Châu – baolaichau.vn