Sản phẩm hoa chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng được ứng dụng phương pháp sấy lạnh vẫn giữ nguyên màu sắc như vừa hái trên cây
Cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng co tuổi đời bình quân từ 100- 500 năm, mọc trên đỉnh núi mờ sương Suối Giàng, huyện Văn Chấn có độ cao hơn 1400m so với mực nước biển, là nơi có không khí trong lành, bốn mùa khí hậu mát mẻ, không có khói bụi, ô nhiễm.
Với diện tích gần 500 ha, trong đó mọc tự nhiên 293 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Suối Lóp…; chè Shan tuyết là nguồn thu nhập chính và gắn liền với đời sống bao đời của đồng bào Mông nơi đây. Chè Shan tuyết Suối Giàng được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, có chỉ dẫn địa lý, đăng kí mã vạch và chế độ quản lý chăm sóc organic (hữu cơ).
Tuy nhiên, hiện nay người dân trồng chè chỉ khai thác và chế biến các sản phẩm trà từ lá chè, búp chè còn hoa chè Shan tuyết cổ thụ (là chè hoa vàng) vẫn chưa được quan tâm. Theo các nhà khoa học và các bài viết trên các tạp chí nổi tiếng khi nghiên cứu về các loại chè hoa vàng của thế giới, các hợp chất của chè hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% đã có thể xem là thành công trong điều trị ung thư; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu. Hơn nữa trong những năm gần đây, hoa của cây chè hoa vàng được khai thác và chế biến bằng phương pháp sấy lạnh đem lại giá trị kinh tế cao tại nhiều địa phương trong cả nước như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, …
Từ thực tế này, hai em Trần Khánh Linh và Nguyễn Phạm Ngọc Nhi, học sinh lớp 11D3, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) đã tìm tòi, mạnh dạn thực hiện Dự án “Ứng dụng phương pháp sấy lạnh để chế biến trà từ hoa chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng”.
Hai em cho biết lý do làm Dự án: “Qua khảo sát thực tế, chúng em nhận thấy cây chè Shan tuyết Suối Giàng là loại cây có giá trị đang được quan tâm bảo tồn, phát triển, hoa – được mọc từ cây chè Shan tuyết cổ thụ có thể có giá trị như búp và lá chè. Tuy nhiên, hoa chè còn bị bỏ lãng phí. Trong khi, hoa của cây chè hoa vàng đã được khai thác, chế biến và đem lại giá trị kinh tế cao. Vậy tại sao không nghiên cứu chế biến hoa chè Shan tuyết Suối Giàng để khai thác, tận dụng nguồn hoa có sẵn còn đang bị bỏ phí?”.
Cũng theo hai em Linh và Nhi, nếu nghiên cứu thành công sẽ có thêm một sản phẩm mới từ cây chè Shan tuyết Suối Giàng góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ cây chè, người dân trồng chè có thêm nguồn thu nhập từ việc tận dụng khai thác hoa chè.
Tính đến thời điểm tháng 5/2023, theo thống kê của sở Khoa học và Công Nghệ Yên Bái thì chưa có một đề tài khoa học nào nghiên cứu, chế biến, bảo quản và chứng minh bằng khoa học về sản phẩm và thực phẩm được chế biến từ hoa chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.
Để đi đến thống nhất chọn phương pháp “Ứng dụng phương pháp sấy lạnh để chế biến trà từ hoa chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng”, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung, hai em Trần Khánh Linh và Nguyễn Phạm Ngọc Nhi đã đưa ra một số phương pháp như: sấy nóng, sấy thăng hoa và sấy lạnh.
“Nguyên lý sấy lạnh là hút ẩm bên trong buồng sấy khiến không khí sấy trở nên khô. Khi đó, nước bên trong sản phẩm sẽ bay hơi vào không khí nhanh hơn bình thường khiến sản phẩm khô nhanh trong khi nhiệt độ sấy không cao. Sấy lạnh có thể sấy ở nhiệt độ 10 – 500C vẫn đảm bảo sản phẩm khô nhanh, đặc biệt giữ được màu sắc, hương vị và quan trọng là chất dinh dưỡng cũng như cấu trúc tốt, giá thành đầu tư thấp hơn so với các phương pháp khác”, em Trần Khánh Linh cho biết.
Nhằm thực hiện sấy hoa chè Shan tuyết Suối Giàng bằng phương pháp sấy lạnh, nhóm tác giả đã triển khai thực hiện theo 4 bước quy trình. Bước 1: Thu hái hoa chè. (thời gian thu hái chè từ 6h sáng đến 8h sáng; lựa chọn hoa chè vừa chớm nở, không có côn trùng xâm nhập; khi hái hoa trà hái nhẹ nhàng, đặt nhẹ vào gùi để hạn chế dập nát và gãy cánh hoa). Bước 2: Hoa chè được nhẹ nhàng xếp vào các khay sấy. Bước 3: Đưa các khay sấy lần lượt vào máy sấy. Bước 4: Hết thời gian sấy, lấy khay sấy ra khỏi máy sấy, đóng thành phẩm.
Hai em Trần Khánh Linh và Nguyễn Phạm Ngọc Nhi, học sinh lớp 11D3, Trường THPT Nguyễn Huệ, chủ Dự án “phương pháp sấy lạnh để chế biến trà từ hoa chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng” bên khay chè hoa vàng vừa sấy.
Cùng với đó, nhóm tác giả của Dự án lấy mẫu hoa chè được sấy ở nhiệt độ 20oC trong 20 giờ gửi Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái để phân tích chỉ số độ ẩm của sản phẩm và gửi Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc – Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để phân tích các chỉ số về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng của sản phẩm.
Kết quả phân tích mẫu cho thấy: sản phẩm không có tạp chất và không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; hàm lượng các kim loại nặng đều nằm trong giới hạn cho phép. Vì vậy có thể khẳng định, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm chè sau khi sấy có độ ẩm 5% và có hàm lượng Protein tự nhiên là 3,18%, đường khử chiếm 2,15% , chất hòa tan cao 56,8%, tạo nên hương vị đặc trưng của hoa trè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.
Điều đặc biệt hơn, là trên cơ sở kết quả 50 người dùng thử sản phẩm liên tục trong thời gian 20 ngày đã có phản hồi sản phẩm tốt, cho thấy sản phẩm mang nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng. Sau khi thành công, giá bán của sản phẩm này sẽ dao động từ 4- 6 triệu đồng/kg.
Văn Tuấn
Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn