Thăm mô hình OCOP ở xứ trà B’Lao (Lâm Đồng)

Thực hiện chủ trương phát triển du lịch nông thôn bền vững của tỉnh, ông Lại Thế Cảnh thành lập Khu du lịch trải nghiệm nghề trà ở Bảo Lâm mang tên Gia Đạt Việt. Lại Thế... là 1 gia tộc chuyên về trồng và chế biến xuất khẩu trà có bề dày 80 năm (1943-2023), nay thế hệ thứ ba phát triển thêm dự án mới góp thêm điểm đến cho huyện theo mô hình OCOP của Lâm Đồng.

Thuyết minh tại công ty. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vài ngày trước, ngồi cà phê vườn dưới chân đồi trà B’Lao với ông Yoshitaya 60 tuổi, một chuyên gia du lịch nghề trà của Nhật. Sau khi thưởng thức hương vị trà Ô long Gaba cao cấp của Công ty Kim Điền vừa xuất xưởng ở Bảo Lâm, ông bạn ngoại quốc chia sẻ: “Ở Nhật, khi một sản phẩm nông nghiệp thành công trên diện rộng, chúng tôi thường xây dựng điểm đến mới dành cho du khách trải nghiệm vừa quảng bá thương hiệu mới của địa phương và vừa xả stress cho họ. Xứ B’Lao một địa danh nổi tiếng nghề trà của cả nước nhưng việc cập nhật thông tin thương mại điện tử về mô hình như nghề trà của Nhật là chỉ mới thành công một nửa”.

Công ty Gia Đạt Việt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ghé thăm sức khỏe của ông bạn Lại Thế Cần, thế hệ thứ hai của gia tộc Lại Thế, tôi mời ông Yoshitaya cùng đến thăm khu nguyên liệu trà theo mô hình OCOP của Công ty TNHH Gia Đạt Việt ở xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Đường đến khu nguyên liệu trà Ô long này vài năm trước đầy ổ gà, ổ voi nhưng bây giờ đã tráng nhựa rộng thênh thang lộng gió thoang thoảng hương trà. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, ông Cần mời chúng tôi đến thăm Công ty Gia Đạt Việt, con trai trưởng của ông. Tiếp chúng tôi tại khu bán hàng lưu niệm của công ty tại một gian phòng sang trọng đầy hình ảnh nghề trà B’Lao là ông Lại Thế Cảnh chủ trang trại kiêm giám đốc công ty. Suốt cả chiều dài câu chuyện, ông Cảnh tâm sự về mô hình du lịch của gia tộc với âm sắc chân tình nhỏ nhẹ mang hàm ý mời gọi lữ khách đến thăm địa phương mình. Ông Lại Thế Cảnh sinh năm 1981 tại Bảo Lộc, cháu đích tôn của ông Lại Thế Liêm, cai đồn điền thời Pháp chuyên làm nghề trà từ năm 1943 tại xứ B’Lao. Ông Cai Liêm là một trong những tiền nhân viết giấy khai sinh cho nghề trà của người Việt ở sơn nguyên này.

Thu hoạch chè. Ảnh: Khánh Phúc

Ông Cảnh dẫn chúng tôi đi thăm mô hình du lịch OCOP của gia tộc trà Gia Đạt Việt bắt đầu từ bãi đỗ xe, gian hàng lưu niệm trưng bày hồn cốt của xứ trà B’Lao đến khu sinh hoạt dã ngoại, khu nấu ăn, trạm y tế… cho du khách trải nghiệm mang dáng dấp farmstay đẳng cấp giữa vùng nguyên liệu trà.

Được hỏi vì sao Công ty Trà Ô long Tam Dương nay mang thêm thương hiệu Gia Đạt Việt, ông Lại Thế Cảnh giải thích: “Gia Đạt Việt có nghĩa là một gia đình người Việt đã theo nghề thành công. Gia tộc Lại Thế nhà cháu có 3 đời làm nghề trà ở B’Lao. Thời ông nội Lại Thế Liêm chuyên làm trà mộc, thời bố cháu Lại Thế Cần chuyển sang trà Ô long đến đời chúng cháu thừa kế di sản kinh nghiệm về nghề trà 80 năm, nên tiếp tục theo nghề nhưng thêm các mặt hàng Kim Huyên, Thúy Ngọc, Tứ Quý và trà sữa với công suất 150 tấn thành phẩm/ năm, chủ yếu xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga…”. Ông Cảnh mời chúng tôi uống trà rồi tiếp tục: “Đầu năm 2023, tỉnh Lâm Đồng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng phường, xã. Trước chủ trương hợp lý của tỉnh về nghề trà, trong lúc gia đình cháu có 3 đời theo nghề, trà Tam Dương của bố cháu đã có thương hiệu, thừa kế vùng nguyên liệu 100 ha và cơ sở chế biến nhà xưởng, máy móc với lượng khách hàng bền vững ở Thôn 7, Lộc Quảng của gia tộc, lại là nơi có nhiều cảnh quan đồi, núi, sông, hồ và giao thông thuận lợi nên anh em chúng cháu lập hồ sơ thêm dự án mới mang tên Gia Đạt Việt với nghề khám phá trải nghiệm theo tiêu chí nông thôn với mô hình OCOP (tiếng Anh là One commune one product, nghĩa là mỗi xã, phường là mỗi sản phẩm hay mang nội hàm rộng hơn là dịch vụ du lịch cộng đồng cho địa phương). Sau đó, được chính quyền địa phương khuyến khích và cho phép hiện thực dự án nên đi lên từ đó. Mới đây, cháu được đi tập huấn về tổ chức thực hiện du lịch trải nghiệm xây dựng điểm đến an toàn thân thiện theo tiêu chí vùng đất mới nên cũng học được nhiều điều để áp dụng.

Qua các kênh thông tin du lịch điện tử của tỉnh và trực tiếp hình ảnh sống từ cơ sở, nên từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách càng ngày càng đến nhiều hơn, chủ yếu là các trường đại học và các tổ chức nhà nước, cá nhân đến tham quan, trải nghiệm. Qua những lần tiếp đón, thuyết minh đất và người B’Lao, đa số trong họ rất vui khi trực tiếp đến thăm vùng nguyên liệu với núi, đồi xanh, hít thở không khí mát mẻ trong lành, trực tiếp xem công nhân làm việc từ khâu trồng, làm cỏ đến thu hoạch, phơi, lên men rồi đến công đoạn bao bì đóng gói hút chân không… cộng với sự thân thiện của chủ nhà đã làm cho khách tự hào về non sông gấm vóc của đất nước mình”. Ông Cảnh cho chúng tôi xem hàng trăm tấm ảnh và các video clip được gia đình lưu lại từ các đoàn khách tham quan xa gần. Hầu hết các khách lữ hành tham quan là dân thành phố, nơi bị bê tông hóa, khí hậu nóng bức ô nhiễm, người xe nhộn nhịp nên khi tiếp cận với thiên nhiên mát mẻ trong lành nên họ rất thích. Trong những lần tham quan, họ đã bất ngờ từ các công đoạn của nghề trà mà lâu nay chỉ biết đến xứ trà B’Lao qua các kênh truyền hình hay thông tin báo chí”. Khi kết thúc câu chuyện ông Cảnh từ tốn: “Nghề du lịch trải nghiệm đối với các anh em cháu là công việc hoàn toàn mới nên vừa làm vừa học. Mọi thứ cũng là bước đầu của một gia tộc chuyên về trà từ năm 1943 đến 2023 nên vẫn đang còn phía trước. Công ty cháu cũng thuận lợi là có cô em gái Lại Thị Quỳnh Dao được bố mẹ cho đi du học tại Đài Loan và Mỹ về, cô ấy sẽ đảm nhiệm về giao tiếp phiên dịch và giải thích cho khách nước ngoài vì nghề du lịch không phải một người có thể làm được. Các anh em cháu ngoài sự quyết tâm vào cuộc, viết thêm trang sử cho gia tộc, mà còn cần có sự động viên tiếp sức của nhiều người, đặc biệt là sự ủng hộ của các ban, ngành từ xã, huyện đến tỉnh”.

Chia tay Gia Đạt Việt, một công ty theo nghề gia tộc 80 năm. Chúng tôi đứng trên đồi cao lộng gió với màu xanh bất tận của vùng nguyên liệu, nhìn ông bạn Yoshitaya đang yên lặng đưa mắt ngắm cánh đồng trà, tôi bỗng nhớ đến ông Honda Soichiro người Nhật, người đã thiết kế và sáng lập ra tập đoàn xe máy Honda của Nhật Bản cũng từ năm 1943, đến nay đã 80 năm đến thế hệ thứ ba thành công trên diện rộng, hàng năm tập đoàn này mang về xứ mặt trời mọc hàng tỉ đô la. Điểm giống nhau của hai gia tộc Lại Thế và Soichiro đã dùng số vốn ban đầu ít ỏi của mình đầu tư chiến lược cho con cháu đi học trong và ngoài nước để tiếp tục thừa kế nghề nghiệp của gia tộc và phát triển sản phẩm chất lượng cao vươn mình ra biển lớn. Trong tâm thức, tôi bỗng nhớ đến lời dặn của tiền nhân Đại Việt: “Trong một gia đình, cha mẹ tự hào về thành quả của con cháu, và con cháu tự hào về sự danh giá của gia tộc”.

Trần Đại

Báo Lâm Đồng online – baolamdong.vn