Thái Nguyên: Để chè Phú Lương vươn xa

Nâng cao giá trị sản xuất và thương hiệu chè của địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Cùng với triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu giống, huyện chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng chè VietGAP, chè hữu cơ… Nhờ đó thương hiệu chè Phú Lương ngày càng được khẳng định trên thị trường.

Vùng chè đặc sản Tức Tranh (Phú Lương). Ảnh: C.T.V

Vùng chè xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh, là nơi nổi tiếng bởi có nhiều sản phẩm chè chất lượng nhất của huyện Phú Lương. Xóm Khe Cốc hiện có 143 hộ với hơn 500 nhân khẩu, diện tích chè kinh doanh khoảng 80ha. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm chè và xây dựng thương hiệu chè an toàn, hơn 10 hộ dân trong xóm đã thành lập HTX chè an toàn Khe Cốc. Các thành viên HTX lựa chọn phương thức sản xuất chè theo hướng hữu cơ với diện tích trên 40ha, trong đó có 20ha đã được cấp chứng nhận an toàn.

Ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX chè an toàn Khe Cốc, cho biết: Từ khi chuyển sang sản xuất chè hữu cơ, các thành viên HTX sử dụng hoàn toàn các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Chè hữu cơ sinh trưởng ổn định, năng suất bình quân đạt 125 tạ/ha, giá chè búp khô trung bình từ 250-350 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân tăng từ 35 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên gần 70 triệu đồng (hiện nay). Xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, hiện không còn hộ nghèo.

Huyện Phú Lương tổ chức Hội thi “Cây chè đẹp” trong khuôn khổ Ngày hội vinh danh các làng nghề chè của huyện năm 2023.
Huyện Phú Lương tổ chức Hội thi “Cây chè đẹp” trong khuôn khổ Ngày hội vinh danh các làng nghề chè của huyện năm 2023

Còn tại xã Phú Đô, nhờ sự tích cực của người dân trong cải tạo đất vườn tạp, đất đồi để trồng chè, diện tích chè của xã hiện nay đã mở rộng lên 675ha (tăng gần 100ha so với năm 2015), trong đó chè cành chiếm 90%; đến nay có trên 60ha chè được chứng nhận VietGAP. Những năm qua, xã đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thương hiệu chè Phú Đô. Sản lượng chè búp tươi của xã năm 2023 ước đạt trên 7.000 tấn (tăng gần 1.000 tấn so với năm 2020), năng suất chè búp tươi ước đạt trên 110 tạ/ha, giá bán chè búp khô trung bình đạt trên 200 nghìn đồng/kg.

Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô, cho biết: Chè là cây trồng đem lại thu nhập chính cho khoảng 70% số hộ trong xã. Cũng nhờ cây chè nên đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân của xã hiện nay đạt trên 40 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 6% (trung bình mỗi năm giảm gần 2%).

HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh) trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè tại Ngày hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương năm 2023.
HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh) trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè tại Ngày hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương năm 2023

Nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ cây chè, giai đoạn 2021-2023, huyện Phú Lương đã huy động được 18,4 tỷ đồng hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Trong đó tập trung hỗ trợ các HTX mua máy móc, mở các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, tăng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, huyện cũng chú trọng hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè. Hàng năm, huyện đều hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm được tổ chức trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các HTX chè giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (như: Sendo, Lazada, Shopee…), mang lại hiệu quả nhất định.

Người dân xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô (Phú Lương) thu hái chè sản xuất theo quy trình an toàn. Ảnh: T.L
Người dân xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô (Phú Lương) thu hái chè sản xuất theo quy trình an toàn. Ảnh: T.L

Hiện nay, huyện Phú Lương có trên 4.100ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt 45.200 tấn/năm (đứng thứ 2 toàn tỉnh), đóng góp 35% vào giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của địa phương. Giá trị sản xuất chè cao gấp 4,6 lần so với sản xuất lúa gạo. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung quy mô lớn (chiếm 70% diện tích chè toàn huyện), chủ yếu ở các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc.

Diện tích chè giống mới hiện chiếm gần 70% trong tổng diện tích chè của huyện Phú Lương, với các giống chủ yếu là LDP1, TRI777, Kim Tuyên, Thúy Ngọc… Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng nguyên liệu chế biến chè xanh chất lượng cao theo định hướng của tỉnh. Toàn huyện hiện có 44 làng nghề chè được công nhận, 25 HTX và 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè.

Đóng gói sản phẩm chè OCOP tại HTX chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh (Phú Lương). Ảnh: T.L
Đóng gói sản phẩm chè OCOP tại HTX chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh (Phú Lương). Ảnh: T.L

Nhằm tôn vinh những giá trị kinh tế từ cây chè và văn hóa trà, đồng thời tiếp tục quảng bá thương hiệu các sản phẩm của địa phương, UBND huyện Phú Lương đã triển khai kế hoạch tổ chức Ngày hội vinh danh các làng nghề chè của huyện lần thứ 3, năm 2023. Theo đó, các hoạt động tập huấn, hội thảo về nâng cao giá trị cây chè Phú Lương đã được tổ chức từ tháng 7-2023, Ngày hội vinh danh được tổ chức từ ngày 22 đến 24-11. Đây là cơ hội để các làng nghề chè kết nối cung – cầu mua bán sản phẩm, hợp tác, liên kết, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chè…

Ông Nguyễn Hoàng Mác, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, cho biết: Ngày hội vinh danh các làng nghề chè lần này là cơ hội lớn để quảng bá sản phẩm chè của huyện tới du khách trong và ngoài tỉnh. Đồng thời là cơ hội để các làng nghề chè thúc đẩy hợp tác sản xuất, hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư trực tiếp phục vụ sản xuất chè, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện…

Việt Dũng

Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn