Có nhiều giai thoại, truyền thuyết khác nhau về lịch sử hình thành của nghề thêu ren Văn Lâm. Tuy nhiên, theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề thêu ren của làng đã xuất hiện từ thời nhà Trần cách đây trên 700 năm. Bà Trần Thị Dung là vợ Thái sư Trần Thủ Độ theo triều đình nhà Trần về đây truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm nghề thêu ren, từ đó nghề được lưu truyền qua các thế hệ. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta họ đã đưa vào Việt Nam nghề ren, rua. Hai anh em cụ Đinh Văn Xoang và Đinh Văn Hênh là những người có công đưa kỹ thuật thêu ren, rua về cho Văn Lâm.
Đường nét thêu ren của những người thợ làng nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm rất uyển chuyển, mềm mại, thanh tú, nhưng lại sống động, mịn màng. Với sự sáng tạo cùng sự kế thừa những tinh hoa của cha ông, hiện nay, các nghệ nhân của làng đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, từ các nhóm hàng truyền thống đến những sản phẩm hiện đại, đó là những tấm ga trải giường, mặt gối, bộ khăn ăn, rèm cửa, áo ki-mô-nô, áo hanbok, khăn tay, tranh, ảnh… Sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng và uy tín, hàng thêu Văn Lâm ngày một nâng lên, tạo được lòng tin với khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Italia, Anh, Mỹ… Năm 2007, làng nghề thêu ren Văn Lâm đã được công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu cấp quốc gia. Năm 2010 kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội những nghệ nhân làng nghề đã thực hiện bức tranh “Cội Xưa” thêu tay lớn nhất Việt Nam với kích thước lên tới 5,5mx31m để thể hiện tình yêu quê hương đất nước và trưng bày trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.
Từ năm 2019, nhiều sản phẩm thêu ren của làng nghề Văn Lâm đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm của làng thêu ren Văn Lâm đã tham gia các hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế, qua đó góp phần quảng bá thương hiệu thêu ren Văn Lâm tới nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Hiện nay, có hơn 700 hộ gia đình tại Làng theo nghề ren truyền thống. Không chỉ ngày đêm tỉ mẩn cho ra đời những sản phẩm thêu ren nổi bật, sống động để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế, người dân nơi đây còn kết hợp tổ chức những hoạt động sinh hoạt với nghệ nhân, giúp mọi người có thể tìm hiểu rõ hơn về sự tinh tế trong từng khâu, từ đó thêm yêu hơn nghề truyền thống cha ông truyền lại từ bao đời nay./.
Nguồn: Nguyễn Loan; Ảnh: Xuân Lâm
dulichninhbinh.com.vn