Khơi dậy giá trị nghề truyền thống gắn với du lịch bản Dao Đà Bắc, Hòa Bình

Cách Hà Nội chừng 100km, nép mình bên dãy núi Biều, bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình) đã có lịch sử hơn 500 năm, nơi sinh sống của cộng đồng người dân tộc Dao Tiền. Qua sự giúp đỡ của tổ chức AOP tại Việt Nam, Công ty du lịch cộng đồng Đà Bắc triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại bản. Bản của cộng đồng người Dao Tiền chính thức đón khách du lịch từ năm 2017.


Du khách tìm hiểu, trải nghiệm nghề vẽ sáp ong tại bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Hoạt động du lịch cộng đồng ở bản Sưng thu hút được nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, văn hoá độc đáo. Bên cạnh một số sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng, như tham quan bản làng, khám phá hang Sưng, thu hái chè shan tuyết…, du lịch cộng đồng nơi đây đã đưa vào khai thác sản phẩm nghề truyền thống đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm ngày càng đa dạng của du khách.

Anh Lý Văn Quý, tổ trưởng tổ dược liệu ở bản cho biết: Trước đây, các hộ dân dựa vào nguồn dược liệu phong phú có trong tự nhiên làm ra các bài thuốc chữa bệnh, chủ yếu chữa bệnh trong gia đình. Được Dự án phát triển du lịch cộng đồng bền vững do tổ chức phi chính phủ của Ốt-xtrây-li-a hỗ trợ, bản đã thành lập nhóm thuốc nam, được tập huấn, giúp đỡ đầu tư nhà xưởng, cung cấp thiết bị, mẫu mã, phát triển sản phẩm nhằm khai thác bền vững tài nguyên, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm dược liệu bản địa. Hiện nay, tổ sản xuất đã đưa ra thị trường 4 sản phẩm: trà giảo cổ lam ngọt, lá tắm thảo dược, xịt muỗi thảo dược và cồn xoa bóp gừng đỏ.

Mặc dù nghề làm giấy dó đã mai một nhiều so với trước, chỉ còn 1 hộ duy trì với quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trong gia đình nhưng bản có diện tích lớn nguyên liệu làm giấy dó. Đó là lý do Dự án phát triển du lịch cộng đồng bền vững lựa chọn hỗ trợ để cộng đồng người Dao Tiền bản Sưng bảo tồn nghề truyền thống. Hiện nay, bản đã thành lập tổ hợp tác sản xuất giấy dó và phát triển sản phẩm từ giấy dó. Bên cạnh đó, nghề nhuộm chàm, vẽ sáp ong, may thổ cẩm được khôi phục lại. Tổ thổ cẩm ra đời với 11 thành viên nữ tham gia. Chị em được tập huấn sử dụng máy khâu, nhuộm chàm Shibori – phương thức mới từ Nhật Bản và tiếp cận với cách thiết kế sản phẩm đa dạng, thời trang hơn, phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Chị Lý Sao Mai, điều phối viên Công ty du lịch cộng đồng Đà Bắc tại bản Sưng cho biết: Các nghề truyền thống được giữ lại và phát huy góp phần tạo nên diện mạo mới mẻ, sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn hơn cho bản người Dao Tiền. Đồng thời, các nhóm nghề thu hút nhiều lao động, tăng thêm thu nhập cũng như ổn định sinh kế cho người dân địa phương. Hiện nay, trên 80% hộ dân trong bản tham gia vào các dịch vụ lưu trú, ăn uống, hướng dẫn viên, văn nghệ, thổ cẩm, dược liệu, làm giấy dó… Các tổ, nhóm nghề truyền thống thường xuyên đón khách đến tham quan, trải nghiệm thực tế, nhất là nhóm giấy dó và thổ cẩm.  

Chị Nguyễn Hải Yến, du khách Hà Nội chia sẻ: Khi đến đây, tôi rất ấn tượng về một bản làng dân tộc ven hồ Hoà Bình có cuộc sống nguyên sơ cùng những cánh rừng xanh thẳm, bầu không khí trong lành. 2 ngày lưu lại bản du lịch cộng đồng, tôi đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ cũng như hiểu thêm về nghề truyền thống, một trong những nét văn hóa độc đáo của bản người Dao. Tôi đã dùng thử và mua khá nhiều sản phẩm thuốc nam, như cồn xoa bóp, thuốc xịt muỗi để làm quà biếu vì thấy rất an toàn, tiện ích và hiệu nghiệm. Nhiều sản phẩm thổ cẩm túi xách, ví, khăn trải bàn, tranh treo tường cũng khá đẹp, giá cả vừa phải phù hợp để khách mua làm quà.

Bùi Minh
Báo Hòa Bình – baohoabinh.com.vn