Dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đến nay đã có một số hợp tác xã (HTX) sản xuất và kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xúc tiến kết nối với các đơn vị làm du lịch để khai thác, phát triển ngành kinh tế quan trọng này nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lợi thế từ bản sắc văn hóa
Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện có trên 10 HTX đang triển khai các hoạt động du lịch phục vụ du khách dưới nhiều hình thức như tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm vốn văn hóa truyền thống, đời sống sinh hoạt cộng đồng cũng như sản xuất nông nghiệp, sinh thái đa dạng, đặc trưng của từng địa phương.
Có thể kể đến như HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), đây là đơn vị tiêu biểu trong phát triển kinh tế gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ đồng bào Êđê tại đây.
Bà H’Yăm Bkrông, Giám đốc HTX cho hay: “Mục tiêu “kép” được xác định rõ ràng là lấy vốn văn hóa thổ cẩm để làm du lịch và ngược lại lấy lợi ích từ ngành “công nghiệp không khói” này để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của mình. Đến nay, người làm nghề ở đây đã có hai nguồn thu nhập ổn định từ dệt thổ cẩm và làm du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng”.
Bà H’Yăm lý giải thêm, nói ổn định là bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX không còn bấp bênh như trước. Về dệt thổ cẩm, đã có những đổi mới và phát triển đáng kể như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu dệt sợi, chắp vải, tạo hoa văn, làm mới mẫu mã sản phẩm cho phù hợp thị hiếu khách hàng, nên số lượng hàng hóa bán ra ngày càng nhiều, đem lại thu nhập bình quân khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên.
Theo đó, từ hoạt động du lịch cũng đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng nghề này nhờ lượng du khách tìm đến đây đang trên đà tăng mạnh (bình quân từ 400 – 600 lượt người/tháng).
Dệt thổ cẩm buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột đã trở thành sản phẩm du lịch được du khách chọn lựa và trải nghiệm
Có thể nói hoạt động làng nghề kết hợp với du lịch là hướng đi phù hợp và đúng đắn giúp cộng đồng người Êđê buôn Tơng Jú vươn lên ổn định cuộc sống về mặt vật chất cũng như tinh thần.
Riêng HTX, ngoài gần 50 khung dệt cùng nhiều thiết bị kỹ thuật được đầu tư, phục vụ cho sản xuất như máy xếp sợi, cuộn sợi, cuộc thoi và máy may, chắp vải… còn tạo dựng được cơ sở (điểm đến) du lịch cộng đồng với ba nhà sàn trưng bày sản phẩm thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, vật dụng lao động, sinh hoạt và sản xuất.
Ngoài ra còn có thêm nghề làm rượu cần, chế biến ẩm thực nhằm phục vụ du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm dưới sự hướng dẫn, giới thiệu và thực hành của các nghệ nhân bản địa.
“Tôi nghĩ, khi HTX tham gia làm du lịch sẽ giải quyết hai vấn đề cơ bản và quan trọng – đó là tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phục hồi, tôn tạo, gìn giữ môi trường/không gian sống (văn hóa cũng như sinh thái) tốt hơn” – Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông Trần Văn Toàn. |
Tương tự, HTX Du lịch buôn Jun được xem là “điểm tựa” của đồng bào người M’nông ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk. Thế mạnh của đơn vị làm du lịch này là có đàn voi nhà gần 20 con cùng hơn 30 thuyền độc mộc được các hộ dân góp vào để đưa đón du khách tham quan, dạo chơi trên Hồ Lắk.
Giám đốc HTX Bùi Văn Đức cho hay, sản phẩm du lịch trên có sức hút đặc biệt đối với du khách, nhất là khách quốc tế kể từ khi được thành lập vào năm 2003 (dưới tên gọi là HTX Voi buôn Jun). Khách du lịch thích tìm đến nơi này nhờ hoạt động trải nghiệm, thân thiện với voi, chèo thuyền độc mộc và tìm hiểu đời sống sinh hoạt văn hóa của cư dân tại chỗ.
Mỗi tháng, HTX đưa đón, phục vụ gần 2.000 lượt du khách đến đây, nhờ vậy doanh thu mang lại khá cao và ổn định với mức ăn chia cổ tức cho hơn 50 thành viên khoảng trên dưới 5 triệu đồng/tháng.
Anh Ya Seng On, một trong những thành viên HTX chia sẻ: Đây là khoản thu nhập đáng kể giúp nhiều hộ gia đình tích lũy, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh như làm nhà dài lưu trú, mở dịch vụ ăn uống, giải khát và gia công đồ mỹ nghệ phục vụ du khách, tạo nên không gian phát triển du lịch đồng bộ, không chỉ ở buôn Jun mà lan tỏa và bao trùm cả một vùng rộng lớn ven Hồ Lắk – từ Yang Tao đến Liên Sơn, vòng sang tận Đắk Liêng và Đắk Phơi.
Nói như bà H’Loan Bdap, Trưởng phòng VH-TT huyện Lắk: Không gian du lịch nói trên đã được chính quyền địa phương quy hoạch, xây dựng để đưa vào khai thác trong nay mai – và chắc chắn đến lúc đó, Trung tâm Du lịch buôn Jun sẽ đóng vai trò kết nối với các làng nghề truyền thống khác trong vùng.
Đó là nghề gốm M’nông nổi tiếng ở buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao), nghề dệt thổ cẩm buôn Lê (thị trấn Liên Sơn), nghề đan lát mây tre, làm rượu cần buôn Yang Lah và buôn Yuk (xã Đắk Liêng), qua đó dần hình thành tour/tuyến du lịch văn hóa cộng đồng – sinh thái giàu bản sắc, tạo thêm động lực cho “ngành công nghiệp không khói” huyện Lắk đột phá như mong đợi.
Mở rộng không gian, sản phẩm du lịch đặc thù
Khác với hai đơn vị trên, HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) không lấy bản sắc văn hóa cộng đồng làm thế mạnh, mà chọn hướng phát triển đa ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp để làm du lịch.
Giám đốc HTX Trần Văn Toàn tự tin cho rằng: Trong không gian rộng lớn và còn khá hoang sơ của rừng, suối, ao, hồ… cùng với hàng chục héc-ta vườn cây ăn trái (cam, xoài, bơ, nhãn, bưởi, ổi, me…) và nhiều trang trại chăn nuôi (thỏ, heo, gà, tôm, cá các loại) đã được gần 50 thành viên đầu tư đồng bộ và ngày càng có chiều sâu là vốn tài sản/tiềm lực đáng kể giúp HTX mạnh dạn hướng đến hoạt động kinh doanh du lịch từ đầu năm 2019.
Lòng hồ thủy điện Sêrêpốk 3 với mặt nước hơn 3.500 ha là lợi thế để HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông làm du lịch
Từ khi thành lập đến nay đã gần 5 năm, dù mất hơn 2 năm bị “đóng băng” do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các thành viên trong HTX luôn quan tâm làm sao để phát triển một cách bền vững, hiệu quả trên cả hai mặt nông nghiệp cũng như du lịch. Từ nửa cuối năm 2022, thương hiệu HTX bắt đầu được khách hàng biết đến với nhiều chuỗi cung ứng dịch vụ nông nghiệp, nông thôn và hoạt động du lịch tham quan, giải trí đặc thù.
Anh Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của HTX thông tin: Đến nay, HTX đã có một sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP được cung cấp ra thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Các dịch vụ du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp – sinh thái (như câu cá, du thuyền trên lòng hồ thủy điện Sêrêpốk 3; cắm trại, nghỉ ngơi trong những cánh rừng nguyên sinh; tham quan, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp từ nhiều trang trại chăn nuôi, cây trái) cũng đã được nhiều người chọn lựa và đặt tour với tần suất ngày càng nhiều hơn, khoảng 200 – 250 người/tháng, chưa kể số lượt khách đi theo đoàn từ nhiều tỉnh thành khắp cả nước tìm đến.
Rõ ràng, ngày càng có nhiều HTX kết hợp làm du lịch từ vốn văn hóa của cộng đồng, lợi thế đặc thù từ điều kiện tự nhiên cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Từ hoạt động du lịch đã tạo động lực cho các ngành nghề/lĩnh vực, nhất là ở vùng nông thôn có thêm cơ hội để phát triển; ngược lại ngành kinh tế quan trọng này trở nên tự tin hơn để mở rộng cánh cửa đón du khách đến với từng cộng đồng, địa phương một cách bền vững và hiệu quả.
Đình Đối
Báo Đắk Lắk – baodaklak.vn