Cao Bằng: Phúc Sen phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng

Phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng (DLCĐ) là hướng đi được xã Phúc Sen (Quảng Hòa, Cao Bằng) hướng đến trong giai đoạn hiện nay. Để các làng nghề đáp ứng được mục tiêu vừa bảo tồn vừa gắn kết với DLCĐ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xã tiếp tục có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển làng nghề đi đôi với thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).


Du khách tìm hiểu về phong tục, tập quán tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa)

Nghề làm hương truyền thống xóm Đoàn Kết được bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ. Đặc biệt trong những năm gần đây, hạ tầng nông thôn, các chương trình hỗ trợ phát triển làng nghề, nông thôn mới, phát triển DLCĐ được triển khai tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ đó, nghề làm hương cũng phát triển hơn, thị trường được mở rộng, sản phẩm tiêu thụ tăng lên. Hiện nay, xóm có 50/104 hộ làm nghề với mức thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/hộ/tháng; cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán, Thanh minh, Rằm tháng Bảy…, thu nhập người dân tăng lên 7 – 8 triệu đồng/hộ/tháng. Những hộ có nhân lực, biết cách làm và bán được sản phẩm, thu nhập đạt gần 100 triệu đồng/hộ/năm.

Cách xóm Đoàn Kết vài km, người dân xóm Dìa Trên đang nỗ lực giữ nghề làm giấy bản truyền thống. Tranh thủ thời gian nông nhàn, thời tiết nắng ráo, chị Nông Thị Xanh tất bật với các công đoạn tạo khuôn làm giấy bản. Chị Xanh cho biết: Mặc dù đây là nghề mất nhiều thời gian, công sức, nguồn nguyên liệu đầu vào khó kiếm nhưng mang lại thu nhập ổn định nên tôi quyết định giữ và gắn bó với nghề. Cũng như nhiều nghề thủ công khác, làm giấy bản đòi hỏi sự tỷ mỉ, kiên trì, khéo léo trong từng công đoạn nhưng bù lại chất lượng giấy tốt, không lo về tiêu thụ sản phẩm. Hiện, xóm có 39 hộ với gần 100 lao động làm giấy bản. Từ việc giữ và phát triển nghề truyền thống, nơi đây trở thành điểm đến của nhiều du khách thập phương; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Doanh thu từ làng nghề đạt hơn 1,2 tỷ đồng/năm; thu nhập của người lao động tăng lên trên 1 triệu đồng/người/tháng.

Trong các làng nghề truyền thống thì nghề rèn của người Nùng An hiện thu hút gần 300 lao động địa phương tham gia sản xuất. Đây là nghề phát triển mạnh, có sản phẩm đa dạng, phong phú và mang lại thu nhập cao nhất. Hiện xã có 4 xóm: Pác Rằng, Phja Chang, Tiến Minh, Đâư Cọ làm nghề rèn với 140 lò, sản xuất theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã. Trung bình mỗi năm nghề rèn mang lại thu nhập cho địa phương hơn 18 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm nghề rèn không những tiêu thụ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh mà còn được các hộ sản xuất theo đơn đặt hàng của phía Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển.

Tại làng DLCĐ Pác Rằng sau khi được quan tâm đầu tư về hạ tầng đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc. Vì vậy mà nghề rèn cũng phát triển hơn, được nhiều người biết đến, thu nhập của người dân nhờ đó mà tăng lên. Anh Lương Văn Lưu, xóm Pác Rằng cho biết: 3 năm gần đây, gia đình tôi đầu tư trên 100 triệu đồng mua các loại máy cắt, máy dập, máy mài, máy hàn nhằm giảm sức lao động trong các công đoạn rèn. Trung bình mỗi ngày, gia đình sản xuất được 10 – 15 sản phẩm với giá bán từ 30 – 150 nghìn đồng/sản phẩm. Năm 2022, gia đình liên kết sản xuất và tiêu thụ trên 1.000 con dao chặt xương do phía Trung Quốc đặt hàng; thu nhập đạt trên 20 triệu đồng/tháng.

Trong phát triển kinh tế – xã hội, xã xác định làng nghề là một những tiềm năng, thế mạnh cần tiếp tục được đầu tư mở rộng về quy mô sản xuất. Xã xây dựng kế hoạch phát triển gắn với DLCĐ. Xây dựng môi trường du lịch văn hóa làng nghề thông qua một số hoạt động như: Giáo dục ý thức cho cộng đồng dân cư về văn hóa giao tiếp; phối hợp mở các lớp tập huấn nhằm trang bị cho cán bộ địa phương và nhân dân những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong hoạt động du lịch; nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoạt động sản xuất làng nghề. Tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu để hỗ trợ người dân phát triển làng nghề; chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu cũng như liên kết cung ứng đảm bảo nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; xây dựng các mô hình làng nghề, dịch vụ DLCĐ tiêu biểu để tạo sức lan tỏa và nhân rộng tại địa phương.

Xã tiếp tục khuyến khích các xóm phát triển làng nghề trên cả hai phương diện kinh tế và du lịch. Từ đó, có kế hoạch đề xuất hỗ trợ vốn đầu tư, nâng cấp hạ tầng cho làng nghề; hỗ trợ người dân đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như quảng bá sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Tích cực tham gia các hội chợ, các ngày hội làng nghề để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao giá trị sản phẩm. Định hướng cho người dân liên kết với các nhà cung ứng để cung cấp nguyên liệu sắt, thép, than đá phục vụ sản xuất của nghề rèn…      

Thái Hà
Báo Cao Bằng điện tử – baocaobang.vn