Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.
Thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng thơ mộng dưới chân núi Phà Hùng
Bên hiên nhà sàn các cụ già trong làng kể lại, nghề làm hương đã có mặt tại Phia Thắp từ rất lâu rồi, thời gian cụ thể thì không còn nhớ rõ! Thế nhưng, chắc chắn một điều rằng, nghề làm hương đã song hành cùng với người Nùng An từ những ngày đầu tiên lập làng, dựng bản dưới chân núi Phà Hùng (Núi To).
Người Nùng An quan niệm, khói hương là sợi dây gắn kết tinh thần, thể hiện sự ngưỡng vọng và biết ơn của người còn sống với tổ tiên khi đã về với đá núi. Cũng qua đó, tổ tiên biết được cuộc sống của con cháu người Nùng hôm nay ra sao, bản làng đã đổi thay và phát triển như thế nào…
Du khách có dịp tới đây thường gọi những bó hương nở xòe dưới nắng là “hoa” của núi Phà Hùng
Điều đặc biệt ở Phia Thắp là, 100% các hộ dân trong làng đều biết làm nghề và miệt mài giữ nghề. 53 hộ dân trong làng là 53 xưởng sản xuất nhỏ. Thế nên, ở thời điểm nào trong năm khi về thăm Phia Thắp người ta cũng thấy những bó hương được phơi trước sân, được đặt trên những bờ rào đá, rồi chen cả vào bậc thang dẫn lên nhưng ngôi nhà sàn cổ…
Nguyên liệu được đồng bào nơi đây sử dụng để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa, các loại cây tạo mùi như nghiến đỏ, cây thung… Nói về việc kiếm tìm nguyên liệu, anh Hoàng Văn Tuyên người dân trong làng cho hay, cây mai tốt mọc sâu trong rừng và chỉ có duy nhất mai ở huyện Trùng Khánh khi cháy mới có tàn cong. Bên cạnh đó, lá cây Bầu Hắt dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau, cũng phải được đưa về từ những rặng núi cao, thì mới có được mùi hương thơm tự nhiên. Thế nên để có đủ nguyên liệu người làm nghề phải tìm kiếm rất vất vả.
Người Nùng giữ gìn nghề truyền thống của mình
Có hơn 40 năm gắn bó với nghề, bà Nông Thị Tình (70 tuổi) người dân làng Phia Thắp chia sẻ: “Lá Bầu Hắt sau khi hái về sẽ được phơi khô, đem nghiền nhỏ và trộn với mùn cưa của những cât gỗ thân mềm để hương cháy tốt. Để gắn kết các nguyên liệu que hương được nhúng xuống nước làm ướt và người làm phải dùng tay để se hương. Một ngày thợ giàu kinh nghiệm sẽ làm được từ 3000 – 4000 que hương mỗi ngày”.
Tại Phia Thắp 100% số hộ dân đều biết làm nghề và theo nghề
Tại nhiều làng nghề làm hương, thông thường que hương sẽ được nhuộm đỏ trước khi se nguyên liệu. Còn ở Phia Thắp công đoạn này thường được làm cuối cùng sau khi những que hương đã được se hết. Sắc đỏ của chân hương cũng không được tạo ra bởi phẩm màu mà được nhuộm từ nước của lá cây Chăm Che, thứ phẩm màu tự nhiên mà chỉ có người Nùng An nơi đây mới có thể pha chế được.
Sau khi được nhuộm đỏ, nhuộm hồng người Nùng An tại Phia Thắp đem hương ra phơi, đây cũng chính là lúc quang cảnh cả một vùng núi rừng trở nên lung linh đến mê mẩn. Thế nên, du khách có dịp tới đây thường gọi những bó hương nở xòe dưới nắng là “hoa” của núi Phà Hùng.
Mỗi bó hương sẽ có 20 que và được người dân đem đi bán ở khắp các nẻo đường hoặc cho các khách du lịch, nhưng chủ yếu vẫn là ở chợ phiên Quảng Hòa. Mỗi bó nhỏ giá bán dao động từ 10.000 – 20.000 đồng.
Vì hương của Phia Thắp có mùi thơm tự nhiên, dễ cháy, khi cháy hết tạo ra được dáng đẹp và bảo quản được khá lâu, nên không chỉ các gia đình ở Cao Bằng mà các vùng lân cận như Bắc Kạn hay Hà Giang cũng có rất nhiều người ưa dùng.
Nhờ có hướng phát triển và bảo tồn đúng đắn, nên Phia Thắp là một trong những địa điểm du lịch tại tỉnh Cao Bằng thu hút đông du khách người nước ngoài tìm tới trải nghiệm
Tuy nhiên, do được làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự chăm chút tỉ mẩn cao độ và chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hương công nghiệp xuất hiện trên thị trường nên đã có những thời điểm, nghề làm hương Phia Thắp đứng trước nguy cơ dần mai một.
Trước thực tế này, để giữ gìn và quảng bá những nét văn hóa độc đáo của địa phương, từ năm 2016, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 thôn bản của tỉnh Cao Bằng được đầu tư làm du lịch cộng đồng, trên cơ sở khai thác tài nguyên văn hóa của các dân tộc. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng dưới chân núi Phà Hùng, mà còn giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, một số hộ dân đã làm dịch vụ lưu trú tại nhà cho khách du khách tham quan. Những công việc thường ngày như, thu hoạch hoa màu, xay thóc, giã gạo, đánh cá, thêu thùa, may vá, làm hương… đã được người dân xây dựng thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Du khách khi đến các điểm lưu trú tại nhà dân được đón tiếp nồng hậu, được hướng dẫn và trực tiếp tham gia trải nghiệm, hòa mình vào đời sống bản làng…
Vũ Mừng
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn