Thời gian qua, TP. Buôn Ma Thuột đã tích cực hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu về nông nghiệp đô thị, gắn với phát triển thương hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, website thương mại điện tử… với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đã tập trung phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đến nay, thành phố có 3 địa điểm được công nhận, đó là Điểm du lịch buôn Akô Dhông, Điểm du lịch buôn Tơng Jú và Điểm du lịch Thành Đồng; đang hỗ trợ xây dựng 6 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với du lịch, tổng kinh phí 6,9 tỷ đồng.
Người dân Điểm du lịch buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cải tạo những khoảng đất trống sau nhà để trồng các loại rau truyền thống. |
Tại Điểm du lịch buôn Tơng Jú (xã Ea Kao), người dân trong buôn đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, thực hiện nếp sống văn minh để đón khách du lịch. Bên cạnh giữ nếp nhà dài, duy trì nghề dệt thổ cẩm, người dân trong buôn đã cải tạo những khoảng đất trống sau nhà để trồng các loại rau truyền thống của dân tộc mình như: cà đắng, lá sắn, mướp đắng rừng, rau rừng, ớt hiểm… tạo nguồn thực phẩm tươi, sạch, an toàn phục vụ việc ăn uống hằng ngày của gia đình cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên của du khách tham quan. Chị H’Yam Bkrông, chủ Homestay HNOH Ea Kao cho hay, nhờ sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương mà homestay của gia đình chị đã được nhiều người biết đến hơn và trở thành điểm đến quen thuộc của du khách khi ghé thăm TP. Buôn Ma Thuột. Vào những lúc cao điểm, mỗi tháng chị đón khoảng 100 đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm.
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, sầu riêng hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn xã Ea Tu là 1 trong 6 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với du lịch đang thực hiện có hiệu quả. Mô hình này do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu thực hiện, có 17 hộ dân tham gia liên kết (100% là đồng bào dân tộc thiểu số), với 19,5 ha cà phê, sầu riêng. Các hộ dân tham gia mô hình ngoài được hỗ trợ phân bón, cây giống còn được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, sầu riêng theo chứng nhận hữu cơ, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch, tham gia chuỗi cung ứng các hoạt động trải nghiệm du lịch. Đặc biệt, các sản phẩm được HTX bao tiêu đầu ra, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân tham gia liên kết.
Một mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với du lịch sinh thái tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). |
Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu hiện đang liên kết với gần 350 hộ dân trồng cà phê trên địa bàn xã, với tổng diện tích hơn 320 ha. HTX thường xuyên hỗ trợ thành viên, thành viên liên kết, nông dân địa phương thay đổi tập quán canh tác, tạo ra sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, dán tem truy xuất nguồn gốc… để có thể bán được với giá cao hơn. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để từng bước hình thành chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho vùng cà phê tại xã Ea Tu. Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu Trần Đình Trọng chia sẻ, hiện HTX đã liên kết được với một số doanh nghiệp tiêu thụ phần lớn sản phẩm cà phê nhân, với giá ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 – 2,5 triệu đồng/tấn; lợi nhuận bình quân mỗi xã viên tăng từ 10 – 15 triệu đồng/năm so với những hộ không tham gia liên kết với HTX.
Với những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, đặc biệt là khai thác được lợi ích “kép” từ nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững cho địa phương, thúc đẩy phát triển sinh kế hộ gia đình và kinh tế cho cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái…
Thùy Dung
Báo Đắk Lắk – baodaklak.vn