Thanh Sơn – Phú Thọ: Xây dựng thương hiệu từ sản xuất chè an toàn

Với mục tiêu nâng cao chất lượng chè nguyên liệu, hướng đến quy trình sản xuất bền vững, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, Hợp tác xã (HTX) Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ áp dụng canh tác chè theo quy chuẩn an toàn VietGAP và đang triển khai kỹ thuật trồng chè hữu cơ, đã mang lại hiệu quả.

Thành viên HTX Chè Cẩm Mỹ hái chè theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng chè nguyên liệu phục vụ chế biến

Xuất phát từ nhu cầu liên kết các hộ để sản xuất ở quy mô lớn hơn, theo tiêu chuẩn cao hơn, năm 2018, HTX Chè Cẩm Mỹ được thành lập. Từ diện tích canh tác gần 10ha, đến nay, HTX có diện tích chè 30ha, trong đó 15ha đạt chứng nhận VietGAP. Thời gian đầu thực hiện canh tác chè an toàn, thành viên và các hộ liên kết sản xuất với HTX phải làm quen với việc ghi chép sổ sách theo dõi tất cả các hoạt động tác động lên nương chè, từ việc thăm chè, tưới, thu hái… đến sử dụng các hoạt chất sinh học, thời gian, liều lượng và có sự giám sát chéo giữa các hộ. HTX chú trọng trong hướng dẫn thành viên thực hiện cải tạo đất, kỹ thuật ủ phân chuồng, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, sinh học thảo mộc. Khu vực trồng chè được quy hoạch trồng xen cây thân gỗ, có tán lớn che bóng cho chè; đầu tư hệ thống tưới phun mưa để tiết kiệm nước, đảm bảo cung cấp nước cho chè nguyên liệu. HTX ký hợp đồng cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ búp chè tươi của thành viên và người dân trên địa bàn với giá ổn định, sản lượng khoảng 240 tấn búp chè tươi/năm.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ và nỗ lực của HTX, HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, sử dụng máy móc hiện đại để sản xuất, bảo đảm tự động hóa trên 70% công đoạn sản xuất như: Máy sao chè bằng gas, máy sao sấy bằng điện, máy hút chân không…

Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ – Phó Giám đốc HTX cho biết: “Ngay từ khi thành lập HTX, quy trình trồng và chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đã được HTX lựa chọn để phát triển vùng chè gắn với xây dựng thương hiệu. Qua thời gian canh tác chè theo hướng an toàn và hữu cơ, đất được tái tạo nhờ sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học, cây chè sinh trưởng tốt; năng suất, chất lượng đều cao hơn. Với việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, máy móc dần được đầu tư đồng bộ nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, HTX được cấp chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018. Năm 2022, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Chè Phú Thọ, đây là động lực để chúng tôi nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định liên quan đến quy trình sản xuất, việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, cam kết duy trì, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ”.

HTX hiện có 2 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh. Năm 2023, HTX được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là một trong 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Doanh thu năm 2023 của HTX đạt 2,5 tỷ đồng, thu lãi 350 triệu đồng.

Để có được sự phát triển đó ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên, kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch, chế biến còn là sự đổi mới trong hướng tiếp cận thị trường, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của HTX. Những tín hiệu mới trong phát triển, nâng tầm sản phẩm chè của HTX chính là tiền đề, cơ hội mới mang nhiều kỳ vọng về sự đổi thay, phát triển của cây chè ở địa phương.

Thời gian tới, HTX tiếp tục củng cố, hoàn thiện chuỗi sản xuất, tiêu thụ chè gắn với xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong khâu chế biến chè theo hướng công nghiệp, hiện đại có quy mô phù hợp với sản xuất. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nhất là ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, giúp sản phẩm thâm nhập tốt hơn vào thị trường.

Nguyễn Huế

Báo Phú Thọ – baophutho.vn