Điểm đến du lịch của Hà Nội
Huyện Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, trên địa bàn huyện hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa và 45 lễ hội truyền thống, 88 di tích đã được công nhận xếp hạng (trong đó 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 23 di tích xếp hạng cấp thành phố); 8 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; hệ thống sắc phong tại đình Yên Phú, xã Liên Ninh, đình Triều Khúc, đình Yên Xá, xã Tân Triều được công nhận là tài liệu lưu trữ quý hiếm.
Cùng với đó, hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền qua nhiều đời tại các địa phương, tiêu biểu là Lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều (trong đó có các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian như: Múa trống bồng, múa lân, múa Chạy cờ, múa Sênh tiền,…) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Di tích Văn chỉ làng Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1995
Huyện đang chú trọng phát triển mô hình trồng rau sạch với vùng trồng rau an toàn rộng 140ha, thu hút đông đảo nhân dân tới tham quan, trải nghiệm và thu mua. Đây là những thế mạnh, tiềm năng điều kiện thuận lợi cho phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch nông nghiệp.
Vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận Điểm Du lịch Đại Áng, Quyết và Điểm Du lịch Yên Mỹ.
Yên Mỹ có nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn như Đầm Tròn, Vườn Chim Việt. Đặc biệt, Vườn Chim Việt là một trong những cơ sở tư nhân đầu tiên trên cả nước được cấp giấy phép gây nuôi chuyên về các loài gia cầm, thủy cầm, thú cưng. Đến đây du khách có thể ngắm muôn loài chim như công, trĩ, thiên nga trắng, thiên nga đen, vịt uyên ương; các loại thú cưng như lạc đà Apaca, ngựa lùn pony, chuột túi,… và các giống vật nuôi thông thường và thương phẩm như gà Quý phi, gà hắc phong, gà phượng vũ, vịt trời, le le, sâm cầm, ngỗng trời, ngỗng khổng lồ, ngỗng sư tử,…
Ngày 18/5/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2801/QĐ-UBND công nhận Điểm Du lịch Đại Áng, Quyết định số 2802/QĐ-UBND Điểm Du lịch Yên Mỹ. Đây là 2 điểm du lịch đặc sắc trên địa bàn huyện. Các địa phương đang xây dựng điểm đến du lịch gồm xã Tam Hiệp, Thanh Liệt, Tân Triều, Vạn Phúc, Duyên Hà, Đông Mỹ. |
Yên Mỹ gần đây được du khách biết đến bởi Khu trải nghiệm Vạn An – Hải Đăng, hàng năm đón khoảng 40 nghìn lượt khách. Khu trải nghiệm có diện tích 7ha là không gian lý tưởng để tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, trại hè, bơi lội, thích hợp cho học sinh các lứa tuổi và gia đình. Ngoài ra, trang trại sản xuất các sản phẩm từ ngựa với thương hiệu Ngựa bạch Vạn An, cùng nhiều sản phẩm được nuôi trồng bằng công nghệ nông nghiệp hiện đại, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Còn Điểm du lịch xã Đại Áng bao gồm các địa điểm: Đình Đại Áng, chùa Thiên Phúc, khu Văn chỉ làng khoa bảng Nguyệt Áng, Đình Nguyệt Áng, Đình Vĩnh Thịnh, chùa Thanh Dương, Đền Hoành Sơn (thôn Vĩnh Thịnh), Miếu Linh Linh (thôn Vĩnh Trung), chùa Ứng Linh, Đình Vĩnh Trung. Trong đó có 9 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia; 1 di tích xếp hạng cấp Thành phố và 1 di tích đang làm hồ sơ xếp hạng… Đây là chuỗi du lịch tâm linh – trải nghiệm đem lại sự trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc cho khách tham quan. Đây cũng là sự giao thoa giữa những văn hoá cổ xưa với nền văn hoá văn minh hiện đại trong một chuỗi du lịch đặc sắc tại địa phương.
Điểm trưng bày nghề nón lá truyền thống Vĩnh Thịnh
Ngoài ra, trong hành trình khám phá xã Đại Áng, du khách được tham quan Làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh. Đây là làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm. Thôn hiện có 594 hộ với 1.198 người tham gia nghề làm nón, chiếm 65% tổng số hộ dân trong làng. Cùng với sự phát triển không ngừng; bằng sự nỗ lực của mỗi người dân giữ lửa theo thời gian và sự vào cuộc tích cực và chủ động của các cấp chính quyền, nón lá Vĩnh Thịnh luôn giữ được những nét đặc trưng, thấm đẫm giá trị văn hóa, lịch sử của đất Kinh kỳ xưa.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế về lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống, các mô hình kinh tế hiện đại mang lại cho vùng đất này nhiều khởi sắc mới, từ năm 2020 đến 2022 xã Đại Áng đón trên 9.600 lượt khách quốc tế và nội địa đến thăm quan, du lịch, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương.
Đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch
Trong những năm qua, công tác quản lý khai thác phát triển tài nguyên du lịch của huyện Thanh Trì đã được quan tâm chỉ đạo và đưa thành nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và các chương trình, kế hoạch của huyện. Công tác tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch địa phương đã bước đầu phát huy, thu hút khách du lịch về tham quan, nhất là tại các di tích lịch sử văn hóa và các điểm vườn rau an toàn.
Mô hình nuôi cá “Sông trong ao” của xã Đại Áng
Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cho biết, huyện Thanh Trì lựa chọn Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An để xây dưng phương án trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu hấp dẫn trên địa bàn huyện, đưa vào các ấn phẩm giới thiệu du lịch của Thành phố. Đầu tư một số biển chỉ dẫn, biển quảng bá cho điểm du lịch, di tích tiêu biểu trên địa bàn huyện. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý du lịch cho cán bộ phụ trách công tác du lịch, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức văn hóa du lịch cộng đồng tại làng nghề.
Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về Luật Du lịch và các văn bản bản pháp lý liên quan cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn; phối hợp chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về du lịch trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh du lịch nông nghiệp và du lịch tâm linh, quảng bá các sản phẩm OCOP, ẩm thực gắn với du lịch, tiêu biểu; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Mô hình trồng rau an toàn chất lượng cao tại xã Yên Mỹ
Với mong muốn xây dựng huyện Thanh Trì, phấn đấu trong giai đoạn 2025 – 2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm phát triển du lịch của Hà Nội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Bùi Đức Thuận – Phó Chánh văn phòng Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố sẽ phối hợp, đồng hành cùng huyện Thanh Trì xây dựng tuyến du lịch di sản, làng nghề, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn kết nối từ Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên. Xây dựng Đề án thuyết minh về ý tưởng, các hạng mục cần đầu tư và cách thức vận hành sản phẩm du lịch trải nghiệm mới theo tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên.
Cùng rà soát, thống kê các sản phẩm làng nghề tiêu biểu; điểm di tích lịch sử, văn hóa; chuẩn hóa bài thuyết minh về địa danh, làng, nghề, sản phẩm làng nghề của huyện để giới thiệu, quảng bá cho các doanh nghiệp du lịch. Phối hợp thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện, ưu tiên kêu gọi đầu tư dự án Công viên thể thao giải trí, du lịch sinh thái Thanh Trì (diện tích 707 ha, trong đó mặt nước 226 ha). Triển khai phát triển 1 – 2 sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, danh lam, thắng cảnh nổi trội của địa phương (du lịch tham quan di tích về danh nhân Chu Văn An và du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn) để thu hút khách du lịch.
Bảo Thoa
Báo Loa động Thủ đô – laodongthudo.vn