Du khách trải nghiệm tại Khu nghỉ dưỡng “Niềm mơ Campsite”, xã Suối Giàng
Có gần 1 ngày cùng nhóm bạn trải nghiệm tại Suối Giàng, anh Bùi Quang Anh ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai rất ấn tượng với thời tiết, cảnh sắc trên đỉnh núi mờ sương Suối Giàng và đặc biệt là được biết đến rừng chè cổ thụ. Đến chiều, Quang Anh lại được thư giãn khi tắm suối nước nóng tại bản Hốc, thị trấn Sơn Thịnh. Mặc dù các dịch vụ phục vụ chưa phải là “đến tận răng” nhưng mọi người trong đoàn của Quang Anh đều hài lòng với chuyến đi.
Bởi, là người đã được trải nghiệm dịch vụ du lịch ở nhiều nơi, nhưng khi đến Văn Chấn, được trải nghiệm thực tế, Quang Anh đã cảm nhận tương đối rõ rằng ở Suối Giàng hay bản Hốc, mọi người đã quan tâm tới yếu tố xanh, bản sắc trong phát triển du lịch.
“Các sản phẩm du lịch nơi đây đều có nét riêng, gắn với đặc thù văn hóa vùng, miền, tộc người. Ở Suối Giàng, nét văn hóa đặc sắc của người Mông đã được phô diễn, còn về tới bản Hốc, tôi và nhóm bạn của mình lại có cơ hội tìm hiểu về những đặc trưng trong ẩm thực, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Thái. Thật thú vị” – Bùi Quang Anh cho biết.
Mong muốn khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, thời gian qua, bên cạnh bảo tồn, phát huy bản sắc tộc người tại các khu, điểm du lịch, huyện Văn Chấn đã tăng cường thu hút nguồn lực hoàn thành các hạng mục đầu tư Khu du lịch sinh thái xã Suối Giàng, Tú Lệ, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bản Hốc, thị trấn Sơn Thịnh…
Bà Lò Thị Thúy Nga – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Việc thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển du lịch xanh đã giúp Văn Chấn hình thành rõ nét và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch tiêu biểu của địa phương. Dự kiến năm 2023, Văn Chấn đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch; trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 118.000 lượt so với năm 2021; doanh thu ước đạt khoảng 180 tỷ đồng. Qua 9 tháng, Văn Chấn đã đón trên 130 ngàn lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 120 tỷ đồng.
Có lợi thế về di tích lịch sử, cảnh quan, sản phẩm thiên nhiên đặc sắc, Văn Chấn xác định phát triển du lịch theo hướng từng bước hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo hình ảnh và điểm đến đặc thù mang đậm bản sắc với các loại hình như: Không gian văn hóa Suối Giàng, khu nghỉ dưỡng Lechamp gắn với du lịch mạo hiểm tại Aeris Hill – xã Tú Lệ: suối nước nóng bản Hốc, thị trấn Sơn Thịnh, hay du lịch tham quan các di tích lịch sử – văn hóa như: đèo Lũng Lô, xã Thượng Bằng La; nơi thành lập Đội du kích Đá Xô, di tích đồn Ba Khe, di tích đình Bằng Là,…; du lịch các lễ hội truyền thống… đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần quảng bá hình ảnh, nét đặc trưng riêng của từng địa phương.
Bà Hoàng Thị Thanh Tâm – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: Thời gian qua, Văn Chấn đã tập trung hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HDND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hướng dẫn thủ tục công nhận khu, điểm, tour, tuyến du lịch; xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Suối Giàng; kế hoạch phát triển du lịch huyện Văn Chấn giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030…
Văn Chấn cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư, đồng thời tiếp tục thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh, sớm hình thành và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch tiêu biểu của huyện. Đặc biệt, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù “Văn Chấn, nơi hội tu sắc màu văn hóa” với các sản phẩm chủ đạo: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí…
Bà Bùi Thị Doan – Bí thư Đảng ủy thị trấn Sơn Thịnh cho biết: Là địa phương du lịch trọng điểm của huyện, thời gian qua, thị trấn Sơn Thịnh đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bản Hốc (tổ dân phố Suối Khoáng). Đặc biệt, nâng cao chất lượng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) kết hợp với phát huy giá trị tự nhiên của suối khoáng nóng thu hút du khách.
Du lịch đã dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của Văn Chấn, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư vào những địa điểm du lịch đặc sắc, nổi trội trên địa bàn, hình thành rõ nét một số khu du lịch, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo hình ảnh và điểm đến đặc thù, đậm bản sắc.
Thời gian tới, Văn Chấn sẽ tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện; kết hợp với thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải tạo nên chuỗi du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, trở thành điểm lưu trú cho khách du lịch trên tuyến, góp phần phát triển kinh tế thông qua dịch vụ du lịch.
Thành Trung
Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn