Vĩnh Phúc: Triển vọng phát triển du lịch cộng đồng ở Làng văn hóa kiểu mẫu

Chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng ở các Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành động lực thúc đẩy các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch cộng đồng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.


Đền Phú Đa thu hút nhiều người tới tham quan và tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đến. Ảnh: Kim Ly

Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ kinh phí cho Ban quản lý du lịch triển khai xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng ở các LVHKM. Điểm du lịch cộng đồng được xây dựng với đầy đủ các hạng mục gồm bãi đỗ xe, khu lễ tân đón tiếp khách, khu vệ sinh công cộng, có tối thiểu 2 dịch vụ phục vụ khách trải nghiệm, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng.

Sau khi mô hình đi vào hoạt động, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo đủ điều kiện đón khách hoặc được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 06, Ban quản lý du lịch cộng đồng được hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình, mỗi làng được hỗ trợ không quá 2 mô hình. Đến nay, đã có 3 địa phương đăng ký xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng gồm thôn Đông, xã Phú Đa; thôn Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh; thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường.

Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, thôn Đông, xã Phú Đa hội tụ nhiều yếu tố để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Thôn có di tích quốc gia đền Phú Đa được xây dựng vào triều vua Lê Hiển Tông, thế kỷ XVIII. Đền thờ danh tướng Nguyễn Danh Thường, vị tướng tài được vua tin, chúa mến, dân yêu. Ngôi đền mang nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, là niềm tự hào của người dân địa phương.

Trước đây, đền là nơi diễn ra lễ hội làng Dinh vào ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm. Hiện nay, địa phương đang phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận đền Phú Đa là di tích quốc gia đặc biệt.

Triển khai xây dựng LVHKM, đền Phú Đa được tu sửa, mở rộng khuôn viên và lễ hội làng Dinh được phục dựng không chỉ góp phần bảo vệ, giữ gìn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân, mà còn đưa Phú Đa trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh, thu hút du khách đến tham quan, chiêm bái.


Đền Phú Đa được bảo vệ, gìn giữ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tính ngưỡng của người dân địa phương. Ảnh: Kim Ly

Bao quanh ngôi đền là hồ nước mênh mông. Vài năm trở lại đây, người dân trồng hoa sen để tạo cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch. Đến mùa Hè, hoa sen nở rộ, nhiều người tới tham quan ngôi đền và chụp ảnh, check-in tại hồ sen. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đa Trần Đình Chiến cho biết: “Sau khi công trình Khu thiết chế văn hóa – thể thao của LVHKM thôn Đông được khánh thành và đưa vào sử dụng đã tạo nên một khu quần thể liên kết khu thiết chế văn hóa – thể thao với di tích, điểm check-in.

Hiện nay, xã Phú Đa phối hợp với Sở KH&CN, UBND huyện Vĩnh Tường triển khai dự án sản xuất thử nghiệm xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN trồng sen tại thôn Đông với diện tích hơn 2 ha. Tới đây, địa phương sẽ quy hoạch khu vực bãi đỗ xe, khu lễ tân đón tiếp khách… đảm bảo các tiêu chí xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng theo Nghị quyết số 06, phục vụ tốt nhu cầu của du khách”.

Vốn yêu thích tìm hiểu những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, nhân chuyến thăm Vĩnh Phúc theo lời mời của người bạn thân, chị Nguyễn Thị Thu Hương (Hà Nội) đã đến tham quan đền Phú Đa, được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của ngôi đền hơn 300 tuổi giữa khung cảnh làng quê yên bình, thơ mộng.

Chị Hương cho biết: “Tôi về thăm Phú Đa vào đúng dịp Hè 2023, khi hoa sen đang bung nở, không gian tràn ngập sắc sen, hương sen. Ngôi đền tọa lạc uy nghi giữa đất trời mênh mông, bốn bề là hồ sen thơm ngát. Ai đến đây cũng đều có cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng dáng vẻ cổ kính, trầm mặc của ngôi đền cổ. Tôi và những người bạn đã lưu lại khoảng khắc đẹp bằng những bức ảnh sinh động. Chắc chắn đến mùa sen nở năm nay, tôi sẽ đưa gia đình về thăm Phú Đa lần nữa”.

Ngoài xã Phú Đa, các địa phương đăng ký mô hình điểm du lịch cộng đồng đang bước đầu triển khai xây dựng, hoàn thiện các hạng mục của công trình để đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch. Mô hình điểm du lịch cộng đồng cho thấy hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng ở các LVHKM, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Vĩnh Phúc tới bạn bè, du khách thập phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Bạch Nga
Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn