Vĩnh Phúc: Cơ hội phát triển du lịch cộng đồng

Việc xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) mở ra cơ hội để các địa phương phát triển du lịch cộng đồng, tạo thêm việc làm cho người dân, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn. Từ việc phát triển du lịch cộng đồng giúp các địa phương bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo.

Việc xây dựng LVHKM sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của thị trấn Hương Canh, trong đó, có Lễ hội Kéo song. Ảnh: Kim Ly

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Hiện nay, du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách nhờ đem lại những trải nghiệm gần gũi, bình dị, chân thực. Nhờ những lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên, lịch sử, văn hóa… Vĩnh Phúc hội tụ nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch cộng đồng như sinh thái, nông nghiệp, văn hóa, du lịch bản địa, du lịch làng…

Đề án thí điểm xây dựng mô hình LVHKM ra đời với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể trong việc tận dụng, phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đề án, sau khi hoàn thành xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao, các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm của địa phương được trưng bày, giới thiệu và bán ngay tại nhà văn hóa thôn giúp tận dụng tối đa các sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch, đem lại thu nhập cho người dân. Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối các công trình tâm linh gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương.

Việc xây dựng LVHKM góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô. Ảnh: Kim Ly

Thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo có 89% đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Đây là 1 trong số 28 thôn, làng, tổ dân phố được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình LVHKM trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND xã Bồ Lý Trần Nam Thanh cho biết: “Việc xây dựng LVHKM sẽ giúp địa phương phát triển du lịch cộng đồng dựa trên những giá trị văn hóa của dân tộc Sán Dìu. Chính quyền địa phương định hướng người dân phát triển mô hình homestay, du khách đến đây sẽ được người dân cung cấp chỗ ở và được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Du khách được thỏa sức khám phá, tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của người dân bản địa, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi…; thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản của địa phương như xôi đen, bánh chưng gù, bánh gio, bánh trứng kiến, bánh nghé…; xem biểu diễn làn điệu dân ca Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Nhà văn hóa thôn Đồng Cà là địa điểm các nghệ nhân thường xuyên trình diễn Soọng cô phục vụ du khách; đồng thời, là nơi trưng bày, giới thiệu, quảng bá trang phục, nông cụ, ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch bằng việc tận dụng những tài nguyên sẵn có như nhà ở, đồ ăn, công việc để phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch cộng đồng đem lại thu nhập cho người dân địa phương từ nguồn chi tiêu của du khách, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương”.

Tổ dân phố Vườn Sim, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Sau khi hoàn thiện xây dựng LVHKM, du khách đến Hương Canh sẽ được khám phá nhiều nét văn hóa độc đáo của ngôi làng cổ; tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm nghệ thuật của làng nghề gốm; tự tay làm các sản phẩm gốm nghệ thuật dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Du khách cũng có thể thưởng thức các món ẩm thực nổi tiếng như cháo se, bánh hòn, nộm vó cần…; tham quan Di tích quốc gia đặc biệt cụm đình Hương Canh. Đặc biệt, du khách đến Hương Canh vào dịp đầu năm mới được tham dự Lễ hội Kéo song (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh Vũ Thị Thúy Hằng cho biết: “Tới đây, Trung tâm văn hóa thị trấn sẽ là nơi trưng bày các sản phẩm làng nghề gốm Hương Canh, trưng bày các hiện vật trong Lễ hội Kéo song để du khách tham quan, mua sắm. Việc triển khai xây dựng LVHKM sẽ giúp nâng tầm, phát huy các di sản văn hóa của địa phương phục vụ phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân”.

Bạch Nga

Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn