Vĩnh Long: Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Việc phát triển sản phẩm (SP) OCOP và phát triển du lịch (DL) có mối quan hệ hữu cơ, bởi chương trình OCOP là tài nguyên để xây dựng DL nông thôn và ngược lại DL nông thôn là không gian để phát triển SP OCOP.
Khai thác ngành kinh tế du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu của du lịch nông thôn.

Nhiều tiềm năng, dư địa phát triển

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT: Chương trình OCOP đã giúp phát huy tài nguyên bản địa, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Đồng thời, hình thành nhiều SP OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện SP mang tính nhân văn của vùng, miền…

Qua đó, góp phần tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển DL nông nghiệp và nông thôn. Ở chiều ngược lại, việc phát triển DL cũng tạo nhiều cơ hội cho người dân và các chủ thể đẩy mạnh tiêu thụ SP OCOP và các SP đặc sản, tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Ông Nguyễn Hoàng Anh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho biết: Việc đưa chương trình OCOP thành thương hiệu mang tầm quốc gia có giá trị to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Mặt khác, phát triển DL gắn với nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu tất yếu của nhiều địa phương.

Với 65% dân số nông thôn, có liên quan hoặc sống phụ thuộc vào nông nghiệp, chương trình đưa SP OCOP vào phát triển DL đang được đón nhận tích cực, giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phát huy được giá trị của các SP thương hiệu OCOP. Ở giai đoạn mới, thương hiệu OCOP cũng đang được khẳng định với nhiều SP chất lượng. 

Tại tỉnh Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, tỉnh có nhiều SP gắn với các ngành nghề truyền thống, tỉnh cũng tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ các chủ thể phát triển SP, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng SP OCOP gia tăng giá trị và bền vững.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp-PTNT, Sở VHTTDL và Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức thực hiện hỗ trợ điểm trưng bày, giới thiệu và bán SP OCOP tại nhà chờ Bến Cảng hành khách tỉnh (Phường 9, TP Vĩnh Long), Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (TT Vũng Liêm) và Nhà dừa CocoHome (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ). Qua đó, góp phần tăng sức hút với du khách, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ SP OCOP. 

Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp, tích cực hỗ trợ cho các chủ thể OCOP thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá SP, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu SP.

Cùng với việc khai trương các điểm trưng bày và bán SP OCOP sẽ giúp các doanh nghiệp, chủ thể phát triển SP, đồng thời gắn với việc phát triển DL tại địa phương. Chị Dương Diệu Hiền- chủ điểm du lịch Nhà dừa CocoHome (huyện Long Hồ) cho hay: Khi các SP OCOP được đưa vào trưng bày, giới thiệu và bán tại điểm DL sẽ giúp du khách tham quan thuận lợi mua sắm các SP đặc trưng của địa phương. 

Cần tăng cường liên kết

Tuy nhiên, theo một số chủ điểm du lịch, hiện nay nhiều SP OCOP dù đã được chứng nhận, nhưng trên thực tế các SP chưa thực sự đa dạng, chất lượng SP vẫn còn nhiều hạn chế, quy cách SP, bao bì, mẫu mã chưa gọn, đẹp…

Theo bà Phan Yến Ly- Giám đốc Công ty Tư vấn, truyền thông và sự kiện Cánh Cam, bên cạnh các loại hình DL tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hóa, khám phá, nghỉ dưỡng, sinh thái…, DL nông nghiệp, nông thôn nói riêng và DL xanh nói chung đang là xu thế cũ mà lại mới, vì thế cần phải nắm bắt để xây dựng và khai thác hiệu quả.

Hiện tại, loại hình DL nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng lại chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Không ít SP sao chép, na ná giống nhau gây ra sự cạnh tranh giữa các địa phương. Bên cạnh đó, vẫn còn vướng mắc pháp lý về làm DL trên đất nông nghiệp, DL nông nghiệp, nông thôn.

Theo bà Yến Ly, chương trình OCOP sẽ giúp các SP DL nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh thành không bị trùng lắp, nhàm chán, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

“Muốn xây dựng và phát triển được các tour DL kết hợp được với nông nghiệp tiến tới phát triển DL nông nghiệp, nông thôn bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, các sở, ban, ngành có liên quan, nhà cung ứng dịch vụ DL nông nghiệp, doanh nghiệp lữ hành và chính những chủ thể của tour DL nông nghiệp “các nông dân” hay “trang trại viên” phải chủ động phối hợp, liên kết hoạt động nghiên cứu thị trường tìm khách hàng mục tiêu để có SP phù hợp, cùng quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất các giải pháp phát triển SP DL nông nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn”- bà Yến Ly chia sẻ.

Tuy nhiên, quá trình này cần được triển khai một cách bài bản, đồng bộ mới đem lại hiệu quả cao. Đáng chú ý, cần phát triển SP OCOP gắn với DL để tìm đầu ra bền vững cho nông sản và đưa nông sản Việt Nam vươn xa.

Muốn làm được điều này, doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, để phát triển mạnh mẽ, bền vững các SP OCOP cần gắn với phát triển dịch vụ, văn hóa, DL thì các địa phương cần xác lập tour, tuyến gắn với địa điểm có nhiều SP OCOP đặc trưng của từng vùng để quảng bá, giới thiệu đến với du khách nhiều hơn.

Theo ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, cả nước hiện có hơn 10.000 SP OCOP đạt hạng 3-5 sao, các trung tâm OCOP đang được hình thành tại địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển DL gắn với SP OCOP.

Theo đó, trong 5 năm qua, bộ tập trung phát triển OCOP trong nước theo hướng phát triển số lượng, củng cố chất lượng, từ đó, hình thành mỗi đặc sản địa phương mang đặc trưng khác nhau của từng vùng miền để hình thành SP DL đặc trưng của từng vùng miền.

Mặt khác, Thủ tướng cũng đã ban hành quyết định về phát triển DL nông thôn. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã ký văn bản liên tịch với Bộ VHTTDL để phát triển chương trình này. Tất cả các hành động này hướng tới mục tiêu khai thác ngành kinh tế DL nông thôn gắn với SP OCOP và đưa SP OCOP trở thành thương hiệu của DL nông thôn Việt Nam.

Chương trình đưa sản phẩm OCOP vào phát triển du lịch đang được đón nhận tích cực.

“Về lâu dài, để phát triển SP OCOP thông qua hoạt động DL, cần 3 yếu tố: phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị đó lên, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân; hình thành vùng sản xuất để tạo thành sức mạnh, ứng phó với áp lực cơ chế thị trường; xây dựng thương hiệu SP OCOP ở nông thôn có giá trị lớn để phục vụ ngành DL phát triển”- ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Trà My
Báo Vĩnh Long – baovinhlong.com.vn