Bản nhỏ bình yên của người Tày
Xóm nhỏ Giộc Sâu ghi dấu ấn với du khách thập phương bởi những ngôi nhà sàn đá cổ kính, mái ngói âm dương đều tăm tắp ẩn hiện sau những tán rừng. Ở đây, vào sáng sớm, du khách có thể hít thở bầu không khí trong lành, thảnh thơi đi dạo dưới những tán cây cổ thụ, nêm nếm những hạt sương sớm ban mai trong trẻo, tinh khiết còn đọng lại trên những tán lá; lắng nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo, tiếng côn trùng kêu rả rích, tiếng lá cây xào xạc.
Sau khi đi bộ, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi ngắm nhìn những cánh đồng mênh mông bát ngát, vườn vầu xanh thẳm… để cảm nhận hơi thở của thiên nhiên và bắt đầu một ngày thật nhiều năng lượng. Vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nếu đi tham quan Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn cao vít, du khách có thể nghe được tiếng hót rất đặc trưng, vui tai của loài vượn quý hiếm.
Xóm Giộc Sâu có nhiều hang động, là nơi trú ngụ của các loài động vật hoang dã quý hiếm
Xóm có 112 hộ/485 nhân khẩu, 100% là dân tộc Tày. Từ bao đời nay, bà con chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa, ngô, các cây hoa màu khác và chăn nuôi lợn, gà, vịt, trâu, bò vỗ béo, chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các hộ hiến gần 9.000 m² đất làm 4 km đường liên xã, 1.780 m đường nội đồng, đóng góp 220 triệu đồng. Đến nay, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, sáng – xanh – sạch – đẹp; từ việc để đất trống vụ đông xuân, bà con chuyển sang trồng thuốc lá để giảm nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.
Cùng với việc mang lên mình tấm áo mới với nhiều nhà được xây dựng kiên cố, bà con quan tâm giữ gìn những nét đẹp bản sắc của dân tộc. Hơn 70% ngôi nhà trong xóm là nhà sàn bằng đá truyền thống của người Tày, thiết kế 3 hoặc 4 gian, lợp mái ngói âm dương mang đậm nét hoài cổ, có những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi; các công cụ sản xuất truyền thống vẫn được bà con sử dụng hằng ngày như: cày, bừa, cối, chày… Là xóm nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn cao vít đã tạo cho Giộc Sâu có một hệ động, thực vật độc đáo do có đặc điểm tự nhiên đa dạng và phức tạp. Trên địa bàn xóm còn có hệ thống núi đá, nhiều hang động là nơi trú ngụ của các loài động vật hoang dã quý hiếm, đi cùng với lịch sử hình thành xóm làng. Những cảnh quan này tạo cho xóm nét đặc trưng riêng, là cơ sở để xây dựng các tuyến du lịch ngắm cảnh, dã ngoại leo núi.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn vượn cao vít
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng những danh thắng đẹp rung động lòng người nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xóm chiếm 25,45%, hộ cận nghèo chiếm 20,9%; nhiều hộ chưa có điều kiện kinh tế để di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Thu nhập chính của bà con chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt, thường bị các loài động vật hoang dã phá hoại ảnh hưởng đến năng suất cây trồng…
Với mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm thiểu các tác động vào rừng, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững loài và sinh cảnh vượn cao vít, Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) phối hợp với các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ mô hình sinh kế cho xóm, trong đó, đẩy mạnh xây dựng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Tổ chức các lớp tập huấn cách thức làm du lịch cộng đồng, các bước sơ cấp cứu cơ bản; hướng dẫn đón, tiếp khách, cách dẫn tour, chế biến các món ăn phục vụ du khách; hướng dẫn thiết kế tour du lịch; hỗ trợ bảng thông tin tuyến du lịch tại nhà văn hóa cộng đồng xóm; xây dựng 2 nhà vệ sinh cộng đồng; tập huấn canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS cho các hộ trồng lúa nếp Ong trước xóm và khu canh tác các loại cây có hạt; phương pháp ủ phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học; hỗ trợ thiết bị, máy móc để đóng gói, bao bì các sản phẩm hữu cơ…
Du khách tham quan mó nước Đồn tại xóm Giộc Sâu, xã Ngọc Khê (Trùng Khánh)
Tháng 4/2024, Tổ chức FFI hỗ trợ thành lập Công ty cổ phần Bảo tồn vượn cao vít do người dân địa phương làm chủ và hỗ trợ 60 triệu đồng vốn điều lệ ban đầu. Công ty gồm có 9 thành viên là người dân trong xóm và cán bộ của Khu bảo tồn. Anh Hoàng Văn Thụ, Trưởng xóm Giộc Sâu, Giám đốc Công ty cổ phần bảo tồn vượn cao vít cho biết: Được sự hỗ trợ của Tổ chức FFI, bà con có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức, cùng nhau dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Đặc biệt, đã biến khu rừng vầu từ một khu vực bị bỏ quên trở thành phim trường của nhiều bộ phim nổi tiếng, là một địa điểm được nhiều du khách lựa chọn “checkin”. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, xóm tiếp đón khoảng 300 lượt khách đến tham quan các địa điểm như: Hang Ngườm Thon, mó nước Đồn, khu nhà cổ, rừng vầu; trải nghiệm đi bè mảng trên dòng sông Quây Sơn, đốt lửa trại, thưởng thức các làn điệu hát Then, đàn tính, lát sli, hát lượn do nghệ nhân và bà con biểu diễn; trải nghiệm một số nghề truyền thống đan lát, nấu rượu gạo nếp; thưởng thức những món ăn dân tộc như: xôi, cơm lam, bánh chưng, bánh giày, bánh trời…
Lam Giang
Báo Cao Bằng – baocaobang.vn