Triển vọng phát triển du lịch nông thôn ở Phú Thọ

Trong những năm gần đây, du lịch nông thôn đã và đang trở thành một hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành Du lịch Đất Tổ. Qua đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn; giúp tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; góp phần tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.


Nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động du lịch cùng với đồng bào dân tộc thiểu số tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn

Tại tỉnh Phú Thọ, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đã có sự phục hồi rõ rệt. Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, Phú Thọ tiếp đón sự quay trở lại của các đoàn khách quốc tế, chủ yếu là các đoàn đi tham quan, trải nghiệm loại hình du lịch nông thôn. Nắm bắt được xu thế, nhu cầu của du khách, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã tích cực tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngành Du lịch đã tích cực tham mưu, phối hợp với các ngành, đơn vị tập trung nâng cấp, đầu tư phát triển các điểm du lịch và sản phẩm du lịch nông thôn gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, từng vùng, phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch, đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và các địa phương.

Ông Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang triển khai các tour đưa khách du lịch, đặc biệt là các du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, các điểm du lịch gắn với cộng đồng vùng đồng bào dân tộc huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… và các làng nghề nông nghiệp có tiềm năng trên địa bàn tỉnh như: Làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy, bún, miến ở Hùng Lô (thành phố Việt Trì); làng nghề nón lá Gia Thanh (huyện Phù Ninh); làng nghề tương làng Bợ (huyện Thanh Thủy) kết hợp thăm làng nghề nuôi cá lồng trên sông Đà và các mô hình sản xuất nông nghiệp độc đáo khác của huyện. Ngoài ra, còn tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm đồi chè Long Cốc (huyện Tân Sơn), vườn bưởi Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng), tham quan chu trình sản xuất các sản phẩm từ cây chè, cây bưởi…


Du khách quốc tế tham quan làng nghề làm bánh, bún, miến ở Hùng Lô, thành phố Việt Trì

Thời gian qua, nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được thực hiện, đặc biệt là tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung – cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn lồng ghép với các sự kiện về văn hóa, chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP. Qua đó, đã hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành mạng lưới kết nối cung – cầu về du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng tour tuyến du lịch để đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP.


Tương làng Bợ, huyện Thanh Thủy là một trong những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP được nhiều du khách ưa chuộng

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có một sản phẩm đạt 5 sao (Chè đinh cao cấp Hoài Trung của Công ty TNHH chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba), 46 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu được đông đảo du khách yêu thích như: Chè Hoài Trung, bánh chưng – bánh giầy Đất Tổ, bưởi Đoan Hùng, mì gạo Hùng Lô, thịt chua Trường Foods, tương hoa lúa, cá thính Phù Ninh… Các sản phẩm này không chỉ được bán tại cơ sở sản xuất mà còn được bán ở Siêu thị du lịch OCOP Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.


Điểm du lịch cộng đồng Xuân Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn có kiến trúc đặc trưng, cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là sự đồng hành của các doanh nghiệp, công ty du lịch và sự chủ động của người dân để phát triển du lịch nông thôn, đem đến làn gió mới cùng những triển vọng về phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.

Thanh Hòa – Thu Hương
Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ – phutho.gov.vn