Bản Giuồng thuộc xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa là một xóm nhỏ bình yên nằm giữa núi rừng hùng vĩ của Cao Bằng, những năm gần đây đã thu hút du khách bởi mô hình du lịch cộng đồng độc đáo. Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng mà còn có cơ hội trải nghiệm đời sống văn hóa đặc sắc của người dân tộc Tày.
Từ trung tâm thành phố Cao Bằng, du khách có thể di chuyển đến Bản Giuồng theo hai hướng (hướng Nam khoảng 47km; hướng Đông khoảng 71km) bằng xe máy hoặc ô tô. Con đường uốn lượn qua những cung đường đèo dốc, với cảnh vật núi rừng xanh mướt, mang đến cho du khách cảm giác thích thú và háo hức.
Vẻ đẹp bình dị của Bản Giuồng
Bản Giuồng hiện ra như một bức tranh yên bình với những ngôi nhà sàn cổ được làm bằng gỗ, lợp ngói máng san sát nhau tựa lưng vào núi, mặt chính hướng ra cánh đồng mênh mông tạo cho không gian nơi đây thêm phần cổ kính. Nhà sàn ở Bản Giuồng được dựng theo kiến trúc nhà 3 gian, phía trong nhà được phân chia thành các khu vực như: nơi thờ cúng, nơi tiếp khách, buồng ngủ, nơi để lương thực và nhà bếp. Không khí nơi đây trong lành, mát mẻ, có tiếng chim hót líu lo tạo nên không gian thật thư thái. Đến đây, du khách như được trút bỏ mọi lo toan, phiền muộn của cuộc sống thường nhật để hòa mình vào không gian thoáng đãng và tận hưởng sự yên bình của núi rừng.
Đến với Bản Giuồng, du khách có cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày như: nấu ăn theo phong cách địa phương, học tiếng Tày, học hát then, hát lượn, học đánh đàn tính, tham gia các hoạt động trong lễ hội Nàng Hai… Du khách cũng có thể thưởng thức những món ăn đặc sản của người Tày như: lợn cắp nách, xôi ngũ sắc, bánh gio, bánh chưng, lạp sườn, cá suối… và các món rau rừng tươi ngon. Hương vị đặc trưng của các món ăn chắc chắn sẽ làm du khách say lòng.
Bánh gio (bánh tro) là món ăn độc đáo, hấp dẫn của người Tày ở Cao Bằng. Bánh thường được làm vào dịp tết Đoan ngọ (5/5 Âm lịch) với quan niệm nếu thưởng thức loại bánh này có thể xua đuổi được sâu bọ, bệnh tật
Đặc biệt, nếu đến Bản Giuồng vào ngày 22/3 âm lịch của các năm chẵn, du khách còn có dịp trải nghiệm Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2017. Lễ hội mang ý nghĩa là tục lệ cầu mùa, mời các Nàng Hai – tức các con gái của Mẹ Trăng ở trên trời xuống thăm trần gian và giúp dân làng làm ăn, giúp cho mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh; tưởng nhớ đến nàng công chúa Tiên Dao của nhà Mạc – người đã sáng tạo những làn điệu dân ca lượn Slương, lượn Nàng Hai (làn điệu ngày nay đã trở thành một nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào Tày).
Lễ hội Nàng Hai – Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Theo chị Lan Anh (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp bình dị và yên bình của Bản Giuồng. Người dân nơi đây rất thân thiện và mến khách. Tôi đặc biệt thích thú khi được tham gia vào các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa; được lắng nghe giai điệu hát Then – đàn Tính ngọt ngào, sâu lắng; được lắng nghe những câu chuyện về phong tục tập quán người dân địa phương chia sẻ… đây là một trải nghiệm vô cùng độc đáo và đáng nhớ.”
Du khách lắng nghe giai điệu hát Then – đàn Tính của người dân bản địa
Anh Tuấn Anh (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi chọn du lịch Bản Giuồng vì muốn tìm kiếm sự yên bình và thư giãn. Đến đây, tôi được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, hít thở bầu không khí trong lành và trải nghiệm văn hóa độc đáo của người dân tộc Tày. Tôi cảm thấy vô cùng hài lòng với chuyến đi này.”
Còn đối với chị Mai (du khách đến từ Hải Phòng) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Bản Giuồng và tôi thực sự bị ấn tượng bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và sự thân thiện của người dân. Tôi rất thích tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và thưởng thức các món ăn truyền thống. Nó mang lại cho tôi cảm giác thư giãn và bình yên.”
Du khách tham gia vào các sinh hoạt của người dân bản địa
Chia sẻ về hiện trạng phát triển du lịch cộng đồng tại Bản Giuồng, ông Đinh Văn Đại, Trưởng xóm Bản Giuồng cho biết: Bản Giuồng lưu giữ và phát triển tốt văn hóa Tày cổ, đặc trưng cảnh quan miền núi, người dân đồng lòng, đoàn kết là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Cùng với sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, các tổ chức, dịch vụ ăn uống, lưu trú đã phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu du khách. Hiện nay, xóm đã thành lập các đội văn nghệ, hình thành sản phẩm du lịch: trải nghiệm đời sống văn hóa bản địa, hiking… Cùng với đó, xóm tăng cường các hoạt động bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh trật tự nhằm phát triển du lịch bền vững, thu hút du khách tạo thêm thu nhập, việc làm cho bà con.
Ngoài tiềm năng sẵn có, Bản Giuồng còn thuận lợi kết nối với điểm đến trên địa bàn huyện Quảng Hòa (Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Làng đường phên Bó Tờ, Làng ngói Lũng Rì, Làng rèn Phúc Sen, Làng hương Phja Thắp, Làng giấy bản Dìa Trên..) và các điểm đến của huyện Thạch An (Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Biên giới năm 1950, hang Ngườm Pục…) để hình thành các tour, tuyến trải nghiệm hấp dẫn.
Có thể nói, du lịch cộng đồng Bản Giuồng là một trải nghiệm tuyệt vời dành cho những ai muốn tìm kiếm sự yên bình, thư giãn và khám phá văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số.
Hãy đến với Bản Giuồng để trải nghiệm những điều thú vị và đáng nhớ!
Hoài Niệm, Nông Diễm
Trung tâm Văn hóa và Thông tin Du lich Cao Bằng – dulichcaobang.vn