Khai thác giá trị

Về Quảng Điền (Thừa Thiên Huế), chúng tôi nghe được hướng đi mới cho chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng theo lợi thế địa phương. Huyện Quảng Điền mạnh dạn xây dựng điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh tham gia OCOP. Địa phương này cũng định hướng đưa du lịch cộng đồng vào OCOP.

Mới đây, tại không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP tại tỉnh Thừa Thiên Huế có sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ nhiều địa phương trên cả nước (ngày 29/9 – 1/10), câu chuyện gắn du lịch với sản phẩm OCOP lại được nhiều người nhắc tới. Theo ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay cả nước có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể. Có 51 sản phẩm 5 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Nhiều sản phẩm OCOP được xuất khẩu tại chỗ thông qua khách du lịch quốc tế.

Theo đánh giá của bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng con gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới. Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới, nhưng cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, du lịch xanh và sinh thái hơn. Một trong những xu hướng hiện nay là phát triển du lịch nông nghiệp. Bởi đây là giải pháp bền vững, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình, đồng thời gắn thêm được tiêu thụ nông, đặc sản, nhất là nhóm sản phẩm OCOP.

Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP ra đời từ năm 2018 đến nay đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Nhiều sản phẩm OCOP có vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, góp phần thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế. Việc phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Tìm hướng đi phù hợp

Gắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP là hướng đi đúng, nhưng để tạo ra hiệu quả, cần triển khai giải pháp phù hợp. Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cần tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách phải làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông, lâm, thủy sản được tiêu thụ tốt, khi kinh tế nông nghiệp thành công và các doanh nghiệp lữ hành chung tay, đồng hành cùng các điểm đến nông thôn làm du lịch.

Tại diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn. Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát và hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hơn nữa các cơ chế, chính sách, nguồn lực khuyến khích và tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp, nông thôn lan tỏa mạnh mẽ và phát triển bền vững.

Ngoài các giải pháp mang tầm vĩ mô, ngành du lịch, ngành nông nghiệp địa phương và các đơn vị liên quan cần rà soát, bổ sung quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của địa phương. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, nét văn hóa đặc trưng của tỉnh gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng để họ hiểu được về du lịch nông nghiệp, nông thôn và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh cũng rất quan trọng. Phải có giải pháp làm sao để mỗi thành viên sẽ là một “sứ giả” cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Từ đó, phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP nói riêng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc
Báo Thừa Thiên Huế – baothuathienhue.vn