Rượu cần là thức uống độc đáo, thơm ngon mà hầu như những người phụ nữ đồng bào dân tộc Bahnar tại huyện Kbang (Gia Lai) đều biết nấu theo truyền thống gia đình. Từ xuất phát điểm là ủ rượu để dùng vào những dịp lễ của làng hay các ngày vui trong nhà thì hiện nay rượu cần đã trở thành thức uống thơm ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hai năm trở lại đây rượu cần Đăk Giang đã tạo dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng biết đến bởi chất lượng và hương thơm ngon ngọt khi ủ lên men tự nhiên do một nhóm chị em trong làng chế biến và xuất ra thị trường. Nhóm rượu cần Đăk Giang có 5 thành viên, thuộc Tổ hợp tác nông-lâm-thủ công mỹ nghệ Voi Rừng (làng Đăk Giang 2, thôn 4, xã Đông, huyện Kbang). Trong đó, tổ hợp tác có 3 nhóm gồm: Trà dây rừng túi lọc, mật ong rừng và rượu cần Đăk Giang với tổng cộng 16 thành viên.


Một số nguyên liệu để ủ men: Ảnh: Võ Thanh Thảo

Chia sẻ về công thức để ủ được những ché rượu cần Đăk Giang thơm ngọt được khách khen ngợi và tin dùng chị Đinh Thị Đách (Trưởng nhóm) cho hay chị em trong làng có những bí quyết và cách làm riêng. Nguyên liệu ủ rượu chủ yếu được thu hái taj chỗ, là các loại lá được bà con trồng trong vườn nhà, tự cung tự cấp nên luôn được đảm bảo về chất lượng.

Men ủ rượu được làm theo công thức gia tryền chính là yếu tố tạo nên sự thành công cho ra những ché rượu thơm ngon. Nguyên liệu làm men gồm có gạo được ngâm nở, còn có lá kơda (có vị đắng), rễ cây sâm sao, lá khổ qua rừng, ớt, riềng, các loại lá rừng, cây mía tím… tất cả các nguyên liệu được giã nhuyễn trộn với nước hyam (loại nước có vị đắng, cay, ngọt) tạo thành một hỗn hợp sền sệt, sau đó định hình khuôn thành từng chiếc bánh tròn. Công đoạn tiếp theo mang những chiếc bánh đã tạo hình để lên nia, ủ lên một lớp lá trấu, sau khoảng 2 ngày thì bánh lên men (xuất hiện những bông trắng li ti trên bề mặt) thì mang phơi ở gác bếp và để khô tự nhiên. Thời gian để hoàn thiện men rượu trong khoảng 1 tháng. Trung bình một chiếc bánh men có trọng lượng khoảng 0,5kg, ủ với rượu có thể phân thành 8 ché rượu, mỗi ché 4 lít.

Rượu được nấu từ hạt bo bo, hạt cào và bắp. Những nguyên liệu này sau khi làm sạch sẽ được phơi khô, tiếp đó mang đi xay xát để loại bỏ lớp vỏ trấu rồi đem nấu chín như nấu cơm. Công đoạn cuối là mang trộn hai thành phẩm này với nhau trong từng ghè, phủ bên trên một lớp lá rồi buộc chặc, để trong môi trường tự nhiên trong khoảng 1 tháng thì có thể uống được.


Những ché rượu cần mang thương hiệu Đăk Giang ngày càng được ưa chuộng khi xuất ra thị trường: Ảnh: Võ Thanh Thảo

Xuất phát điểm là nấu dùng trong gia đình, người thân sử dụng, sau đó vì rượu ngon, chất lượng nên tiếng lành đồn xa, từ đó rượu cần Đăk Giang được nhiều người biết đến. Đó cũng là động lực ban đầu để chị Đách cùng với các chị em cùng làng đồng tâm kinh doanh loại rượu truyền thống của làng mình và bước đầu đạt được những thành quả tuy nhỏ nhưng rất phấn khởi, công việc sản xuất rượu ngày càng khởi sắc.

Chị Đách chia sẻ, bản thân đã chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm rượu cần ngon từ các bà, các mẹ đi trước kết hợp cùng kinh nghiệm của các chị em, mọi người cùng tự rút cho mình phương pháp ủ rượu để đạt được hương vị thơm ngon, đặc trưng nhất. Rượu được làm từ men tự nhiên nên rất ngon, có mùi thơm dịu nhẹ, uống không bị đau đầu, để càng lâu thì rượu càng ngọt, có thể dự trữ gần 1 năm nên khi xuất ra thị trường sẽ thuận lợi hơn. Rượu cần Đăk Giang đã được phân hạng sản phẩm OCOP chứng nhận 3 sao và dự án “Rượu cần Đăk Giang-đặc sản văn hóa của người Bahnar” của nhóm đã lọt vào vòng bán kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh năm 2023 là những thành công bước đầu mà nhóm đã đạt được trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Hiện nay cơ sở có 3 loại rượu cần cho khách lựa chọn gồm: rượu bobo, rượu bobo kết hợp với gạo trộn bắp, rượu bobo kết hợp bắp trộn hạt cào với dung tích dạng 4 lít, 6 lít, 8 lít, giá bán ra dao động từ 150 đến 400 ngàn đồng/bình. Thời gian qua, rượu cần Đăk Giang đã được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ, ngày hội du lịch do huyện tổ chức và trên các trang mạng xã hội vì vậy đã được người tiêu dùng biết đến ngày càng nhiều hơn. Với tiêu chí lấy chất lượng làm đầu, làm ăn uy tín, hoàn thiện dần về cả chất và lượng, mỗi năm sản phẩm rượu bán ra thị trường ngày càng khá hơn, ngoài tiêu thụ trong tỉnh đã có những đơn hàng từ Sài Gòn, Phú Quốc… đã tạo thêm động lực cho chị em giữ và phát huy nghề.


Hạt bo bo là một trong những nguyên liệu chính tạo ra hương rượu  thơm ngon: Ảnh: Võ Thanh Thảo

Chị Đinh Thị Nganh-thành viên của tổ rượu cần phấn khởi: “Từ khi được tham gia vào tổ chế biến rượu cần đã giúp chị em trong làng có thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống và gìn giữ nét văn hóa độc đáo ông bà mình đã trao truyền lại từ bao đời nay. Không những cố gắng duy trì và phát triển để thương hiệu rượu cần Đăk Giang ngày càng được mọi người biết đến mà chúng tôi sẽ chỉ dạy lại cho các em, các con, cháu trong làng, xã để sau này đều biết cách ủ rượu và duy trì cho đến mãi về sau”.

Sau khi khám phá các điểm đến hấp dẫn của huyện Kbang, nếu du khách đến thăm làng có nhu cầu tham quan và muốn trực tiếp ủ rượu cùng với bà con, hái hạt bo bo trong vườn, trộn và giã nhuyễn các nguyên liệu… thì nhóm sẽ hướng dẫn và đồng hành cùng mọi người trải nghiệm những điều đơn giản, thi vị từ làng. Cơ sở rượu cần Đăk Giang sẽ góp thêm một điểm đến hấp dẫn dành tặng du khách yêu mến vùng đất vốn mang những giá trị về cách mạng và được thiên nhiên ưu đãi dành tặng nhiều danh thắng tuyệt đẹp.

Võ Thanh Thảo
Du lịch Gia Lai – dulichpleiku.gialai.gov.vn