MC tương tác trực tiếp với người xem tại livestream “Quảng bá sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số”
Xóa khoảng cách địa lý
Tháng 10 vừa qua, khi đang lướt mạng xã hội TikTok, chị Nguyễn Phương Ly, người Huế hiện đang sinh sống tại (TP. Huế) vô tình xem được livestream “Quảng bá sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số” do Tỉnh đoàn tổ chức tại chợ phiên vùng cao huyện A Lưới. Với tinh thần ủng hộ “sân nhà”, chị liền nhanh chóng share cho bạn bè, người thân và đặt mua 10kg nếp than để dùng dần.
“Nhiều lần xem các phiên chợ OCOP online của nhiều tỉnh thành khác, giờ Thừa Thiên Huế cũng có nên phải ủng hộ nhiệt tình. Vừa ghi hình tại các gian hàng kết hợp giới thiệu sản phẩm là hình thức quảng bá hiệu quả và dễ dàng tiếp cận tệp khách hàng trẻ thường xuyên sử dụng internet”, chị Phương Ly chia sẻ.
Được biết, livestream “Quảng bá sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số” năm 2023 được triển khai thực trên hai nền tảng mạng xã hội Facebook và TikTok. Chương trình lần này diễn ra tại chợ phiên vùng cao huyện A Lưới, gồm chuỗi hoạt động giao lưu giữa các tiểu thương, giới thiệu sản phẩm và tương tác với khán giả theo dõi livestream. Với 19 mặt hàng nông sản A Lưới, zèng và các sản phẩm từ zèng, như: nếp than, mật ong rừng, chuối già lùn, cài tóc, móc khóa, khăn…, chương trình đã nhận được nhiều đơn đặt hàng và cùng với đó là những bình luận, nhận xét tích cực về các sản phẩm.
Anh Hồ Văn Ta (huyện A Lưới) hồ hởi: “Thấy đặc sản của quê hương được quảng bá và đón nhận rộng rãi khiến tiểu thương ai nấy đều phấn khởi. Tuy chỉ là khởi đầu, nhưng hy vọng việc mở rộng chào hàng trên các nền tảng mạng xã hội sẽ ngày càng phát triển để tiếp cận thêm được nhiều khách hàng”.
Đại diện Tỉnh đoàn cho biết, chương trình lần này nhằm phát huy vai trò chủ động, xung kích, tình nguyện của các cấp bộ Đoàn, hội và đoàn viên thanh niên trong việc ứng dụng công nghệ số hỗ trợ quảng bá các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ đó, từng bước nâng cao hình ảnh, vai trò, năng lực sản xuất của các sản phẩm từ mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, người dân trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh luôn nỗ lực chủ động kết nối, quảng bá hình ảnh và thương hiệu các sản phẩm OCOP đến với Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giúp đoàn viên, thanh niên có cơ hội tiếp cận với các ứng dụng chuyển đổi số để giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của địa phương trên nền tảng số.
Thực hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2021 với chương trình livestream quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ cam Nam Đông, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tiếp tục giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số với chuỗi Chương trình kết nối giới thiệu nông sản sạch, sản phẩm từ mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi vào năm 2022. Đây được đánh giá là bước tiến lớn trong thực hiện công tác chuyển đổi số; thể hiện vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp bộ Đoàn chung tay giới thiệu nông sản sạch, sản phẩm từ mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi.
Tại Hương Trà, 2 chương trình livestream “Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Vượt qua đại dịch” do Thị đoàn triển khai vào cuối năm 2021 đã giúp người dân làng nghề Cốm An Thuận (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) tiêu thụ được hơn 700 gói cốm và giúp hộ ông Trương Thanh (thôn Hòa Dương, xã Bình Thành) tiêu thụ hơn 500 trái bưởi da xanh trong vòng 1 tuần.
Cần sự đồng bộ
Hằng năm, việc quảng bá, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Trung ương Đoàn đưa vào bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại. Xác định sứ mệnh của tuổi trẻ, Tỉnh đoàn – Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo tổ chức đoàn, hội các cấp tích cực tham gia tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản địa phương. Đặc biệt là đẩy mạnh triển khai các hoạt động khai thác tiềm năng kinh tế số, góp phần tạo lan tỏa sâu rộng, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản của địa phương trên thị trường.
Tuy bước đầu đã gặt hành được những thành công nhất định, nhưng cần nhìn nhận, hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương trên nền tảng số mới chỉ dừng lại ở mức “Chập chững tập đi” và chưa thật sự được ứng dụng rộng rãi ở nhiều địa phương. Với lợi thế có nhiều sản phẩm OCOP tiềm năng, các huyện, thị, Thành đoàn cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo để triển khai các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Đoàn cấp trên.
Đây cũng là ý kiến và nỗi niềm trăn trở được đưa ra bàn luận tại nhiều hội nghị do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hoài, thời gian tới, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục xúc tiến, kết nối với các sở, ban, ngành và địa phương để có thêm nguồn lực tổ chức hoạt động quảng bá bài bản, có chiều sâu và mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, với thế mạnh sức trẻ và trình độ công nghệ thông tin, đoàn viên và thanh niên sẽ tiếp tục nỗ lực trở thành những “Tuyên truyền viên” tích cực trên mạng xã hội để lan tỏa các sản phẩm OCOP đến đông đảo người tiêu dùng.