Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Văn Yên khoảng 30km. Hiện nay, xã Nà Hẩu có 2.149 khẩu, trong đó 99% dân số là người Mông. Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, xã Nà Hẩu có tổng diện tích tự nhiên là 5.640ha, trong đó, rừng tự nhiên đặc dụng là 4.700ha, với quần thể thác nước, hang động độc đáo, cùng với nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào dân tộc Mông, đây là điều kiện lý tưởng để xã Nà Hẩu phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Nhận thấy Nà Hẩu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, năm 2016, anh Đặng Văn Chính, dân tộc Dao cùng với nhóm bạn thiện nguyện ở Hà Nội đã về đây cùng thanh niên địa phương khởi nghiệp. Anh Chính đã tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên” do Huyện Đoàn Văn Yên tổ chức, dự án khởi nghiệp của nhóm anh đạt giải Nhì. Nhờ đó mà tháng 5 năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu được thành lập, các thành viên là thanh niên, hộ gia đình người Mông ở Nà Hẩu.
Để HTX đi xa hơn, anh Chính đã kết nối đội ngũ lãnh đạo có năng lực, với nhiều thành phần khác nhau, tạo thành các mảnh ghép hoàn chỉnh, bao gồm nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và cả doanh nghiệp và anh giữ vai trò là người định hướng, kết nối, tạo ra chuỗi giá trị. Ngoài ra, còn có các thầy, các giáo sư chuyên về nông nghiệp.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, HTX triển khai mô hình nuôi cá tầm thương phẩm đầu tiên, sau đó 1 năm đã cho kết quả rất khả quan và nhân rộng được mô hình ra toàn xã. Hiện nay, Nà Hẩu có 24 bể bạt nổi HPDE, 1 ao lót bạt và 4 bể xây bằng xi măng cốt thép kiên cố, mỗi năm cho doanh thu gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, trong đó có 3 lao động là phụ nữ người Mông.
Đặc biệt, tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương, HTX đã cùng bà con địa phương tu sửa lại nhà sàn tạo thành Homestay đủ tiêu chuẩn đón khách. Đến nay, Nà Hẩu đã có 9 nhà sàn được cải tạo đủ điều kiện phục vụ khách, bước đầu tạo được công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ gia đình. Nhờ đó, người dân địa phương càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: Nghề rèn truyền thống, thêu dệt thổ cẩm, gìn giữ các điệu dân ca, dân vũ… để phục vụ du lịch.
Ông Lý Tòn Cầu, Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu bày tỏ, anh Chính luôn hướng về quê hương Văn Yên. Những năm qua, anh Chính đã giúp cho nhiều hộ đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại quê hương bằng những việc làm cụ thể như, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ giúp đỡ bà con, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế; quan tâm tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.
Tương tự, anh Ngô Quang Hà, sinh năm 1992, tại thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, sau những ngày tháng đi làm xa gia đình, anh đã quay trở về địa phương phát triển kinh tế. Tận dụng điều kiện tự nhiên ở địa phương và gia đình, anh Hà đã phát triển mô hình kinh tế xanh vườn – ao – chuồng với quy mô rộng 4 ha, trong đó 3 ha rừng trồng quế, gần 1 sào trồng rau xanh, khu vực chăn nuôi được quy hoạch để nuôi lợn đen, bò sinh sản, gà, vịt, chuyển đổi 6 sào ruộng lúa có năng suất thấp sang nuôi ốc để nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, nhận thấy địa phương có nhiều tiền năng để phát triển kinh tế du lịch, anh Hà tiếp tục phát triển thêm mô hình du lịch sinh thái homestay vừa giúp tiêu thụ được sản phẩm mình làm ra, vừa tăng thêm nhu nhập 150 triệu đồng/năm, đồng thời quảng bá được những bản sắc văn hóa truyền thống, tiềm năng của Bản Lùng thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan, trải nghiệm.
Hay như anh Giàng A Bê, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, với mong muốn lưu giữ gen giống gà đen của người Mông, anh Bê đã thực hiện dự án “sáng kiến gà đen Trại Trế”. Nhờ đó, dự án của anh Bê được hỗ trợ ngay từ vòng đầu tiên và là một trong 130 thanh niên được Dự án “EU/Sự tham gia: Nâng cao năng lực cho các đoàn thể, tổ chức xã hội và thanh niên DTTS tham gia tích cực vào việc khởi nghiệp, ra quyết định kinh tế – xã hội tại Yên Bái, Việt Nam”, hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp.
Theo đó, anh Giàng A Bê cùng các bạn trong nhóm sáng kiến gà đen Trại Trế đã ấp nở thành công 120 chú gà con từ đàn gà giống ban đầu và thu về được trên dưới 20 triệu. Đây là tín hiệu tích cực trong việc nuôi giống gà đen bản địa của người Mông, tạo sự lan tỏa cho thế hệ trẻ người DTTS tự tin khởi nghiệp.
Bên cạnh tấm gương khởi nghiệp của anh Đặng Văn Chính, anh Ngô Quang Hà, anh Giàng A Bê, ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn có hàng trăm thanh niên, thanh niên DTTS đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, chính quyền địa phương đã mạnh dạn khởi nghiệp và làm giàu cho chính mảnh đất quê hương.
Tiêu biểu có thể kể như: Giám đốc trẻ Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải Giàng A Dê, với mô hình du lịch cộng đồng cho thu nhập ổn định 30 triệu đồng/tháng; Giám đốc Công ty TNHH Hmông 4S Việt Nam của Lảo A Củ, đưa trang phục người Mông trở thành mặt hàng kinh doanh; anh Sùng A Dâu ở thôn Làng Ca, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn mạnh dạn đầu tư trồng ổi, mít Thái, cây sa nhân và quế với diện tích hàng chục héc-ta; anh Giàng A Thành ở bản Dào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải đầu tư trồng hoa địa lan trần mộng, thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm…
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp
Theo Tỉnh đoàn tỉnh Yên Bái, thanh niên Yên Bái (từ 16 – 30 tuổi) có trên 185 nghìn người, chiếm khoảng gần 22% dân số toàn tỉnh, trong đó thanh niên trực tiếp tham gia lao động chiếm 76%, tương đương 27,1% tổng số lao động toàn tỉnh.
Hiện tại, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã vận động đoàn viên thanh niên thành lập mới được trên 200 tổ hợp tác, 30 hợp tác xã, 30 doanh nghiệp; thông qua nguồn vốn ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn Thanh niên quản lý đã giúp đỡ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ ủy thác ước đạt 853 tỷ đồng; tổ chức đoàn quản lý 428 tổ tiết kiệm và vay vốn với 14.760 hộ vay. Quản lý, cho vay nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn hơn 1,1 tỷ đồng với 20 dự án của thanh niên…”.
Đặc biệt, từ khi triển khai thực Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình thanh niên, câu lạc bộ, hợp tác xã do đoàn viên, thanh niên làm chủ trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chính họ và những người xung quanh
Các mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế của thanh niên đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ hàng hóa. Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; xây dựng, phát triển thành những hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả được triển khai nhân rộng.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy hơn nữa phong trào khởi nghiệp của thanh niên, hiện nay, tỉnh Yên Bái đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các hoạt động thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện hỗ trợ các cá nhân, nhóm khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Đặc biệt, Yên Bái tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, điển hình như Dự án 3, tỉnh Yên Bái tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Dự án 6 về Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch…
Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để giúp khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS của Yên Bái.
Văn Hoa
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn