Thái Nguyên: Phát triển sản phẩm OCOP – Lượng đi đôi với chất

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thái Nguyên hiện có 173 sản phẩm OCOP của 91 chủ thể được xếp hạng từ 3 đến 5 sao. Với phương châm: Sản phẩm OCOP phải đảm bảo cả “chất” và “lượng” để nâng cao giá trị, các địa phương đã tập trung đầu tư phát triển bền vững những sản phẩm tiêu biểu.

Sản phẩm trà OCOP được bày bán tại siêu thị GO! (TP. Thái Nguyên)

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cũng là để bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, những năm gần đây, các thành viên Hợp tác xã (HTX) chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh (Đại Từ) đã chuyển sang phương pháp sản xuất hữu cơ.

Đến nay, sản phẩm của HTX chè Nhật Thức đã có mặt tại hơn 50 đại lý trên toàn quốc

Chị Đào Thị Thức, Giám đốc HTX, chia sẻ: Làm chè hữu cơ, bà con chúng tôi sử thuốc trừ sâu thảo mộc, phân bón cũng là phân hữu cơ, vi sinh nên đảm bảo môi trường an toàn. Hiện nay, HTX đã có các sản phẩm: chè nõn cao cấp, Thức Đỉnh trà, Thức Tâm trà, trà Bách long hương… được công nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao. Năm nay, HTX tiếp tục phát triển 2 sản phẩm Hương Đỉnh trà và trà sâm mật ong tham gia xếp hạng OCOP.

Tương tự, đối với HTX mì, bún khô Tiến Diện, ở xã Tràng Xá (Võ Nhai), thời gian qua, đơn vị cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị sản xuất quy mô lớn để hạn chế phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Cùng với đó, HTX còn đăng ký mã số, mã vạch gắn với truy xuất nguồn gốc và bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Sản phẩm mì, bún khô của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và ngày càng được người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng.

Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX mì, bún khô Tiến Diện, cho biết: Việc được chứng nhận sản phẩm OCOP chính là “tấm vé thông hành” đưa các sản phẩm của chúng tôi có mặt tại một số siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Nhờ làm ăn hiệu quả, hiện nay, HTX đang tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm mật ong hoa nhãn của Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao

Tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, trong những năm qua, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Do vậy, các sản phẩm OCOP ngày càng có chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã, bao bì sang trọng, có đầy đủ mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc…

Nhiều chủ thể còn tận dụng lợi thế sản phẩm được công nhận OCOP để phát triển thương hiệu, tạo uy tín, mở rộng thị trường, tăng doanh thu. Tiêu biểu như: HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên), HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ), HTX chè La Bằng (Đại Từ), HTX chè an toàn Khe Cốc (Phú Lương), Công ty cổ phần trà Việt Thái (TP. Phổ Yên), Công ty TNHH sản xuất và chế biến chè Thúy Vân (TP. Sông Công), cơ sở sản xuất nem bùi Hải Tuyết (Phú Bình)…

Đồng hành với người dân, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung như: tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Cùng với việc quảng bá, trưng bày sản phẩm tại các điểm du lịch, trạm dừng chân, tại 9 huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã có điểm giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế TP. Phổ Yên, cho hay: Từ năm 2022 đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ 11 biển hiệu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; hỗ trợ thiết kế, in bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm OCOP của địa phương.

Không chỉ các chủ thể OCOP chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên cũng đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí bảo đảm chất lượng, nguồn nguyên liệu, bao bì nhãn mác của các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên đã được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có từ 20 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Khác với những năm trước, năm nay, với việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP, UBND cấp huyện được giao quyền đánh giá, phê duyệt, công nhận đối với sản phẩm 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước đây. Điều này giúp các địa phương chủ động lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện cho các chủ thể.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng sản phẩm được công nhận, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh cũng sẽ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra, giám sát các bước thẩm định. Thông qua đó đảm bảo tính khách quan, yêu cầu các địa phương không vì số lượng mà giảm chất lượng, hoặc đạt chuẩn rồi nhưng không duy trì và nâng chuẩn để giữ thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm…

Lương Hạnh

Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn