Thái Nguyên: Gắn kết nông sản xứ Trà với du lịch

“Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023” (gọi tắt là Festival) được tổ chức tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, thông qua Festival không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu mà còn góp phần bảo tồn các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Sản xuất sản phẩm cơm cháy chà bông Én Vàng tại HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (ở xã Bảo Lý, huyện Phú Bình).
Sản xuất sản phẩm cơm cháy chà bông Én Vàng tại HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (ở xã Bảo Lý, huyện Phú Bình)

Festival diễn ra từ ngày 30-11 đến 4-12, với quy mô khoảng 120 gian hàng của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị tham gia đều được hỗ trợ 100% kinh phí gian hàng. Đây được xem là cơ hội lớn để các doanh nghiệp, HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP, thực phẩm đồ uống, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… tới người dân trong tỉnh và đông đảo du khách.

Tham gia Festival lần này, HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (xã Bảo Lý) cùng các HTX trên địa bàn huyện Phú Bình mang đến nhiều đặc sản của địa phương, như: gạo nếp Thầu Dầu, tương nếp Úc Kỳ, dầu lạc, cơm cháy chà bông Én Vàng, gà đồi Phú Bình… Bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt, chia sẻ: Đây là cơ hội để chúng tôi giới thiệu sản phẩm được làm từ chính nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như gạo nếp Thầu Dầu, gà đồi… đến người tiêu dùng.

Còn Giám đốc HTX chăn nuôi sản xuất nông sản sạch Kim Phượng (Định Hóa) Ma Thị Hằng bày tỏ: Chúng tôi lựa chọn những đặc sản của địa phương như: mỳ gạo Bao Thai – sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, gạo J02, gạo Bao Thai, các loại bánh và rau… để giới thiệu đến người tiêu dùng. Thông qua Festival, HTX mong muốn có thêm cơ hội kết nối, đưa nông sản sạch, sản phẩm OCOP của Định Hóa vươn đến nhiều thị trường hơn nữa.

Các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh livestream bán hàng tại các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng.
Các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh livestream bán hàng tại các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng

Trước đó, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, HTX chăn nuôi sản xuất nông sản sạch Kim Phượng đã mang nhiều sản phẩm giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại. Mỳ gạo Bao Thai và nhiều sản phẩm khác của HTX hiện đã có thị trường ổn định tại các tỉnh, thành phố như Bình Phước, Hà Nội…

Tại Festival năm nay, 120 gian hàng được Ban Tổ chức chia thành 3 khu. Khu vực 1 là triển lãm, giới thiệu, quảng bá thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp; các sản phẩm nông sản, OCOP, nông nghiệp gắn kết du lịch của tỉnh Thái Nguyên. Khu vực 2 giới thiệu, quảng bá thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp; các sản phẩm nông sản, OCOP, nông nghiệp gắn kết du lịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Khu vực 3 là hệ thống tiểu cảnh giới thiệu, quảng bá về văn hóa, du lịch, nông nghiệp, nông thôn và thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Festival lần này không chỉ giúp đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc sản là thế mạnh của các làng nghề, doanh nghiệp, HTX trong tỉnh, mà qua đây còn tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông. Từ đó góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, phục vụ nhu cầu mua sắm, trải nghiệm của người dân trong và ngoài tỉnh…

Hằng Nga

Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn