Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP của 100 chủ thể. Trong đó, sản phẩm Gạo ST24 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 172 sản phẩm 3 sao. Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, nhiều chủ thể OCOP đã mạnh dạn tiếp cận, tăng cường đầu tư công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm đạt chất lượng cao.
Sản phẩm hành tím Vĩnh Châu Techpal được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Xuân Nguyên
Thông tin về sản phẩm hành tím, Công ty TNHH Techpal Sóc Trăng cho biết, năm 2022, đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kết nối tham gia chương trình hỗ trợ các hợp tác xã và hộ nông dân phát triển thương hiệu và giải quyết đầu ra cho củ hành tím Vĩnh Châu. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, Techpal Sóc Trăng đã sản xuất thành công các sản phẩm hành túi lưới, hành lát sấy, hành bột, hành đen và viên nang hành. Sản phẩm nguyên liệu đầu vào đều đạt các chứng nhận HACCP. Hiện nay, đơn vị đã đầu tư đồng bộ quy trình sản xuất dành riêng cho từng mặt hàng được chế biến từ củ hành tím, như: máy phân loại, máy tách vỏ, máy rửa hành, máy cắt lát, máy sấy… giúp sản lượng tăng đáng kể, tiết kiệm thời gian, hạn chế nhân công. Hiện sản phẩm hành tím Vĩnh Châu Techpal được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đơn vị này cũng đang triển khai Dự án “Chế biến và bảo quản hành tím kết hợp chăn nuôi ứng dụng chuyển đổi” quy mô 45.000m2 tại thị xã Vĩnh Châu, với tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng. Dự kiến hằng năm, đơn vị sẽ cung cấp ra thị trường 5.000 tấn hành tím.
Từ việc đầu tư đồng bộ trong sản xuất, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH Yến sào Quốc Tín ở phường 1, thị xã Vĩnh Châu đã có mặt trên thị trường và 13 chuỗi siêu thị Co.opmart các tỉnh, thành trong khu vực. Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, đơn vị đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu quy trình, kỹ thuật mới để hoàn thiện tiêu chuẩn hàng hóa, chất lượng sản phẩm. “Trước đây, yến được sấy bằng nhiệt nên yến bị vàng và giảm thành phần dinh dưỡng. Sau khi được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ máy sấy lạnh và máy sấy thăng hoa thì thành phẩm không chỉ bóng, đẹp hơn mà còn giữ được tối đa lượng dinh dưỡng. Cơ sở cũng vừa được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để làm mới mẫu mã sản phẩm khi sản phẩm yến sào được chứng nhận OCOP 3 sao. Hiện chúng tôi đang chế biến thêm nhiều mặt hàng khác, đồng thời xây dựng kế hoạch liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước”, anh Trần Quốc Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Quốc Tín phấn khởi cho biết.
Nhờ sử dụng máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, sản phẩm yến sào Quốc Tín từng bước nâng chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Xuân Nguyên
Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với những đột phá về khoa học, công nghệ được xem là cơ hội và cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Để phát huy lợi thế, tăng giá trị và sức cạnh tranh, phát triển bền vững cho các sản phẩm, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng nhiều chương trình, đề án nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm chủ lực, đặc thù. Triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2018 – 2022, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 89 doanh nghiệp, đơn vị xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy, tự công bố sản phẩm hàng hóa, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, cập nhật cơ bản những dữ liệu thông tin 116 sản phẩm của 27 doanh nghiệp lên hệ thống, hỗ trợ 24 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có 5 trường hợp kết hợp với chỉ dẫn địa lý. Trong năm 2023, tỉnh thống nhất hỗ trợ 18 sản phẩm, hàng hóa của 10 doanh nghiệp công bố, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, hỗ trợ 9 doanh nghiệp thực hiện tư vấn xây dựng, áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất cơ bản. Ngành Công Thương đã hỗ trợ cho các hợp tác xã ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Qua đó, có 16 chủ thể là hợp tác xã có 5 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Dự án Hỗ trợ nâng cao chất lượng một số sản phẩm thuộc Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030. Tham gia dự án có 11 sản phẩm OCOP tiêu biểu của Sóc Trăng. Mục đích của dự án là tập trung hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, tăng giá trị cho các sản phẩm OCOP bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, thực hiện các giải pháp mới để nâng chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, làm nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ các chủ thể cải tiến công nghệ sản xuất; hỗ trợ các công ty, cơ sở tham gia chứng nhận HACCP, ISO. Việc hỗ trợ khoa học công nghệ trong chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để tham gia OCOP cũng là cơ sở để các cơ sở, hộ kinh doanh đủ điều kiện tham gia tái công nhận sản phẩm OCOP, nâng hạng sản phẩm 3 sao lên 4 sao và 4 sao lên 5 sao.
Xuân Nguyên
Báo Sóc Trăng Online – baosoctrang.org.vn