Sẵn sàng quảng bá sản phẩm tiềm năng, đặc sản của địa phương tại Festival tôm Cà Mau

Từ ngày 10 đến 13/12/2023, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 sẽ chính thức diễn ra, với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc. Để đảm bảo cho các hoạt động, sự kiện diễn ra thành công, hiện nay các cơ quan, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp đã và đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia sự kiện quy mô cấp khu vực lần đầu tiên được tổ chức. Qua đó, quảng bá các sản phẩm tiềm năng, đặc sản của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.


Các sản phẩm OCOP đã sẵn sàng có mặt tại Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023.

Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Cà Mau tổ chức Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long, với chủ đề “Festival tôm Cà Mau 2023 – Tự hào thương hiệu Việt”. Đây là sự kiện cấp khu vực có quy mô lớn được tổ chức tại tỉnh với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc về xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ…

Để đảm bảo tốt công tác tổ chức tham gia sự kiện, thời gian này, UBND các huyện, thành phố Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan liên quan liên hệ với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) có sản phẩm được chứng nhận OCOP và một số sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là các sản phẩm được chế biến từ con tôm để chủ động chuẩn bị các điều kiện tham gia Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, vận động các doanh nghiệp, chủ thể OCOP trên địa bàn huyện, thành phố Cà Mau tham gia trưng bày giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; tham gia hội nghị kết nối các chủ thể OCOP với các đơn vị, tổ chức phân phối trong, ngoài tỉnh và nước ngoài; hướng dẫn các chủ thể OCOP xây dựng sản phẩm, phát triển thương hiệu, giao dịch thương mại điện tử,…

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cái Nước Phạm Minh Sang, cho biết: “Để chuẩn bị cho công tác tổ chức, tham gia sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long, huyện Cái Nước đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 theo kế hoạch của UBND tỉnh đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là các chủ thể OCOP. Theo đó, đã triển khai thực hiện công tác bình ổn giá đối với các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn huyện. Lựa chọn 30 doanh nghiệp, HTX hoạt động hiệu quả, hộ nuôi tôm tiêu biểu, các chủ thể OCOP, tiềm năng OCOP trên địa bàn huyện để tham gia sự kiện. Đồng thời, tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ các chủ thể OCOP chuẩn bị sản phẩm và các điều kiện cần thiết tham gia sự kiện. Qua đó, chúng tôi mong muốn góp phần quảng bá vùng nguyên liệu thủy sản và đặc sản của huyện đến khách hàng trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm là thế mạnh của huyện như tôm, cua, bồn bồn,… và các sản phẩm OCOP khác”.


Hiện các địa phương đang tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP chuẩn bị các điều kiện cần thiết tham gia sự kiện Festival tôm Cà Mau năm 2023 và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển Lê Hoài Phương, cho biết: “Huyện Ngọc Hiển đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ thể tham gia các hội thi, chương trình quảng bá sản phẩm OCOP trong chuỗi hoạt động tại sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, huyện có 07 chủ thể với 19 sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng dự kiến tham gia trưng bày tại sự kiện. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý giá cả hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn huyện trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá các mô hình nuôi tôm có hiệu quả, tiên tiến và tiêu biểu của địa phương; xây dựng video clip quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương; thiết kế các giỏ quà sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương; thành lập đoàn tham gia quảng bá sản phẩm OCOP, tham dự các chương trình, hội nghị, hội thảo diễn ra tại sự kiện; tuyên truyền rộng rãi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ngày hội “Ẩm thực thủy sản Cà Mau” và các hoạt động trải nghiệm văn hóa, vui chơi, giải trí, tham quan du lịch,… nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách trong suốt thời gian diễn ra sự kiện”.

Giám đốc HTX Tân Phát Lợi, ở ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển Bùi Văn Chương, cho biết: “Được địa phương thông tin, tuyên truyền về sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 diễn ra vào tháng 12 tới đây, chúng tôi đã đăng ký tham gia trưng bày 10 sản phẩm, gồm: Bánh phồng hàu, tôm khô tách vỏ, muối tôm, chà bông tôm, tôm khô nguyên vỏ, bột tôm nêm canh, mắm ruốc tôm, bánh phồng tôm sú, mắm tôm chua, bánh phồng cua. Đây là các sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP 3 sao, trong đó có sản phẩm chuẩn bị nâng hạng lên 4 sao. Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 được xem là cơ hội lớn để những chủ thể OCOP như chúng tôi có cơ hội quảng bá sản phẩm của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước”.


Các doanh nghiệp, HTX đang gấp rút chuẩn bị sản phẩm để tham gia trưng bày và cung ứng tại sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng tham gia sự kiện này, hiện nay huyện Năm Căn đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tham dự, với 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao dự kiến được trưng bày, quảng bá tại sự kiện. Ðây là những sản phẩm tiềm năng huyện đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận OCOP 4 sao thời gian tới. Chị Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm, ở ấp Lung Đước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, cho biết: “Đây là sự kiện lớn, lần đầu được tỉnh Cà Mau tổ chức và được nhiều người quan tâm nên chúng tôi muốn tranh thủ cơ hội này để đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. HTX dự kiến tham gia trưng bày tại sự kiện gồm 10 sản phẩm, đây là các sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và một số sản phẩm tiềm năng của HTX, trong đó 2 sản phẩm đang làm hồ sơ, thủ tục đề xuất nâng hạng lên 4 sao. Mỗi sản phẩm đều được chúng tôi chuẩn bị chu đáo, từ câu chuyện sản phẩm đến bao bì, nhãn mác, tạo điều kiện để người tiêu dùng và du khách hiểu rõ hơn về sản phẩm”.

Thông qua chuỗi sự kiện lần này, Cà Mau mong muốn quảng bá, nâng tầm thương hiệu tôm Cà Mau, các sản phẩm OCOP của tỉnh và của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững. Giới thiệu các sản phẩm, mô hình có hiệu quả, tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và kết nối người sản xuất, chế biến với xuất khẩu, tiêu thụ. Qua đó, nâng cao sản lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đây còn là cơ hội để Cà Mau mời gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển ngành hàng tôm của tỉnh. Tạo điều kiện kết nối chuỗi doanh nghiệp ngành hàng tôm, nhằm chung tay phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, nâng cao uy tín, vị thế con tôm trên thị trường trong và ngoài nước.

Mỹ Trân
Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau – camau.gov.vn