Du lịch cộng đồng đang dần trở thành điểm nhấn tại xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Từ chỉ làm nông, chăn nuôi nhỏ lẻ, những người dân nơi đây dần học cách làm du lịch, đời sống khấm khá hơn. Thành công bước đầu đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên và bản sắc văn hóa nơi đây.
Làng du lịch cộng đồng Bình Thành ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành
Làng du lịch cộng đồng Bình Thành ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành nằm ven dòng sông Phước Giang thơ mộng, nổi tiếng với vùng trái cây sum suê được trồng từ hơn 30 năm, bao bọc bởi cánh đồng lúa xanh mướt. Du khách đến làng Bình Thành sẽ được trải nghiệm cảm giác thanh bình của làng quê Việt Nam, không khí trong lành với hàng cau cao vút…
Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành được thành lập từ tháng 3.2022, có 15 thành viên và liên kết với 200 hộ dân trong thôn làm du lịch cộng đồng. Mô hình kinh tế này cũng đang mở ra cơ hội cho nhiều người dân cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Tấn Thảo (61 tuổi) ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân mới cảm nhận hết được không gian yên tĩnh, không khí trong lành ngắm nhìn những hàng cau thẳng tắp. Ông Thảo cho hay, từ năm 2022 đến nay, gia đình ông được nhà nước hỗ trợ giống cây ăn quả, phân, thuốc và được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đồng thời, ông được hỗ trợ trong gìn giữ, phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm hơn 20 năm nay của gia đình. Với diện tích hơn 7 sào, ông Thảo trồng cây dâu, xen với cây ăn quả. Mỗi tháng ông thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa 40-45 kg kén tằm, giá bán hiện nay 170.000 – 190.000 đồng/kg. Trừ chi phí mỗi tháng gia đình ông thu về trên 8 triệu đồng.
Nghề trồng dâu nuôi tằm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Nguyễn Tấn Thảo
“Từ khi địa phương phát triển du lịch cộng đồng đã giải quyết công ăn việc làm cho bà con trong thôn, trái cây làm ra bán được giá hơn so với trước kia, có được một khoản thu nhập nhất định để trang trải cuộc sống hằng ngày. Cũng mong rằng du khách đến ngày một nhiều để du lịch phát triển, đó cũng là động lực để gia đình tiếp tục mạnh dạn đầu tư”, ông Thảo bày tỏ.
Thời gian gần đây, vườn trái cây và mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông Võ Văn Hoàng ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân đón nhiều đoàn khách đến tham quan và thưởng thức “đặc sản” trái cây. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn trái cây xum xuê cam, quýt, ông Hoàng chia sẻ, năm 2020 ông được địa phương tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành 70 triệu đồng để trồng cây ăn quả. Với diện tích hơn 1 ha của gia đình ông trồng cam, quýt, bưởi, mít và mở rộng trồng dâu nuôi tằm.
“Mỗi đoàn khách đến tham quan ở vườn trái cây, Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành trả cho chủ vườn 500.000 đồng. Từ ngày có du lịch cộng đồng thì con người, đời sống người dân rõ ràng là thay đổi rất nhiều, hình ảnh quê hương được nhiều người biết đến. Thu nhập từ cây ăn quả hằng năm của gia đình tôi khoảng 50 triệu đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm 100 triệu đồng”, ông Hoàng cho biết.
Du khách tham quan làng du lịch cộng đồng Bình Thành
Ông Huỳnh Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân cho biết, từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương được UBND huyện Nghĩa Hành quan tâm hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, với diện tích 2 ha. Cùng với đó toàn xã hiện có 128 ha trồng cây ăn quả bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm… Đây là điều kiện để phát triển vùng chuyên canh trồng cây ăn quả, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Từ đó người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, hỗ trợ người dân thực hiện 7,8 ha trồng dâu để nuôi tằm, vừa tạo việc làm cho người dân vừa phục vụ phát triển du lịch tham quan làng nghề. Tính đến cuối năm 2022 xã còn 108 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 5,17% , hộ cận nghèo 107 hộ, chiếm tỷ lệ 5,12%.
Ông Đỗ Văn Kha, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành cho biết, xã Hành Nhân theo định hướng của huyện phát triển vùng cây ăn quả và phát triển làng nghề khác. Đơn vị phối hợp với lãnh đạo địa phương, hội đoàn thể ưu tiên nguồn vốn cho các hộ có mô hình thực hiện chương trình này để tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm ở xã Hành Nhân trên 6 tỉ đồng, hơn 150 hộ vay. Hầu hết các hộ vay điều sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả.
Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương được UBND huyện Nghĩa Hành quan tâm hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, với diện tích 2ha. Cùng với đó toàn xã hiện có 128 ha trồng cây ăn quả bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm… Đây là điều kiện để phát triển vùng chuyên canh trồng cây ăn quả, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Từ đó người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. (Ông HUỲNH VĂN TOÀN, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) |
Như Đồng
Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.vn