Nam Định: Dấu ấn Chương trình OCOP

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của tỉnh Nam Định đã đạt được những quả tích cực đáng ghi nhận, được Trung ương đánh giá cao và tạo nguồn lực tại chỗ để xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu…

Các sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá tích cực tại các sự kiện, hội chợ

Được UBND, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hải Hậu và UBND thị trấn Thịnh Long hỗ trợ, đến nay Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao. Trong đó, sản phẩm “Nước mắm Tân Phú” được công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao và người tiêu dùng tin dùng. Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh Vũ Văn Kỷ chia sẻ: Nhờ có phương pháp làm nghề cổ truyền của gia đình (nhất là phương thức gài nén và đánh đảo nguyên liệu), cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn tích cực từ phía ngành chức năng và chính quyền địa phương giúp Công ty nâng tầm chất lượng, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm theo quy chuẩn OCOP, sản phẩm nước mắm Tân Phú luôn có màu vàng rơm, vị mặn đầu lưỡi, đậm trong miệng, ngọt hậu sâu ở cổ họng và có độ đạm khá cao là 35N g/l, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, thông qua 60 cửa hàng, đại lý, điểm bán hàng và các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook…, trung bình mỗi tháng Công ty cung ứng ra thị trường từ 700-1.200 lít nước mắm. Tùy theo từng loại nước mắm có giá bán từ 80-160 nghìn đồng/lít. Sản xuất phát triển ổn định, Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Tại huyện Giao Thủy, để thúc đẩy chương trình OCOP phát triển, UBND huyện đã xây dựng Đề án số 304/ĐA-UBND ngày 17-4-2021 về khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, khuyến khích, động viên các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia chương trình OCOP; tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giới thiệu về chương trình OCOP. Thông qua các hội nghị, các lớp tập huấn cho cán bộ xã phụ trách chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất để giới thiệu, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đăng ký tham gia chương trình OCOP. Phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và đơn vị tư vấn chương trình OCOP của tỉnh tổ chức khảo sát, hướng dẫn, trực tiếp hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Nhờ đó đến nay, huyện Giao Thủy có 108 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao trở lên, trong đó có 9 sản phẩm hạng 4 sao và là địa phương dẫn đầu tỉnh về phát triển sản phẩm OCOP.

Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn lực để hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương, Sở NN và PTNT (đơn vị chủ trì thực hiện chương trình) đã bám sát tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký tham gia chương trình. Tổ chức tập huấn cho hàng trăm cơ sở sản xuất tham gia chương trình về kỹ năng thuyết trình, giới thiệu sản phẩm; kỹ năng quản lý sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh; xây dựng thương hiệu, marketing, quảng bá sản phẩm; xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP… Bên cạnh đó, Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của tỉnh qua các hội chợ, sàn giao dịch giúp quảng bá giới thiệu sản phẩm. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất. Ngoài ra, Sở NN và PTNT quan tâm phối hợp với đơn vị tư vấn và UBND các huyện, thành phố thực hiện bài bản, khoa học, tạo động lực thúc đẩy các chủ thể tham gia cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo Bộ tiêu chí Chương trình OCOP, hoàn thiện hồ sơ, tạo dựng câu chuyện sản phẩm bằng nhiều hình thức linh hoạt. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch từng năm trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình lồng ghép với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các xã, phường, thị trấn rà soát, tổng hợp số cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Các xã, phường, thị trấn chủ động tuyên truyền; rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh để lựa chọn sản phẩm có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP; phân công cán bộ trực tiếp hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP.

Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương được trưng bày, giới thiệu tại phiên chợ hàng thương mại tỉnh năm 2023

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, các nội dung Chương trình OCOP của tỉnh đã được thực hiện hiệu quả theo kế hoạch đề ra. Bằng cách làm bài bản, sáng tạo, phù hợp, các chủ thể tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề và quan tâm đầu tư, cải tiến, nâng cấp sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 431 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 54 sản phẩm 4 sao, 376 sản phẩm 3 sao), tăng 180 sản phẩm so với năm 2022. Hai sản phẩm Nghêu thịt hộp Lenger (Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam) và Gạo sạch chất lượng cao 888 (Công ty TNHH Toản Xuân) đang trình Bộ NN và PTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chất lượng các sản phẩm OCOP tốt, hình thức bao bì sản phẩm đẹp, đảm bảo quy định, đặc trưng cho từng vùng miền… Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình đã thấy rõ được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc phát triển sản phẩm và chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó tích cực tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực.

Chương trình OCOP đã khẳng định vai trò với những dấu ấn đậm nét trong việc hỗ trợ thúc đẩy làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Báo Nam Định – baonamdinh.vn