Phú Thọ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

Trong những năm qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Phú Thọ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân...
Sản phẩm mì gạo của Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao luôn được người tiêu dùng đón nhận.

Cùng với lợi ích về kinh tế, những thành quả mà chương trình OCOP đem lại làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua các sản phẩm đặc trưng vùng miền; góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nội lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới…

Nâng cao giá trị nông sản địa phương

Là một trong những chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm đầu tiên, sản phẩm “Mì gạo Hùng Lô sinh ra từ làng” và “Mì gạo Hùng Lô loại đặc biệt” của Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) hiện được nhiều người tiêu dùng biết đến với chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Giám đốc Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô Cao Đăng Duy cho biết: “Hợp tác xã hiện có ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Kể từ khi được chứng nhận sao OCOP, giá trị các sản phẩm đều gia tăng từ 1,5 đến hai lần so với trước đây. Chương trình đã tạo ra hướng đi mới, hiệu quả hơn trong quy trình sản xuất, kinh doanh, giúp sản phẩm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có đủ điều kiện để tham gia vào hệ thống các siêu thị và cơ hội để vươn ra thị trường xuất khẩu…”.

Hiện, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã có chỗ đứng tại các hệ thống siêu thị lớn như: WinMart, Co.opMart… được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi thông qua các sàn thương mại điện tử. Trong năm 2022, sản phẩm mì gạo Hùng Lô được xuất bán sang thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội để thương hiệu nông sản truyền thống của địa phương vươn xa…

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT – Khu 1, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba là một trong những doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chè có thương hiệu như chè búp tím túi lọc, chè búp tím 75g; chè búp tím cao cấp và chè xanh đặc sản. Sản phẩm còn vươn xa đến một số nước Nam Á và châu Âu.

Giám đốc công ty Lê Thị Hồng Phương cho biết: “Để có những sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn, chất lượng, chúng tôi đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng, có truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt, sản phẩm chè búp tím được sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000, sử dụng phương pháp sao sấy chè theo bí quyết riêng cho nên giữ được các hoạt chất quý chỉ có trong chè búp tím và tạo nên hương vị đặc biệt, độc đáo”.

Phát triển sản phẩm OCOP có chiều sâu

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện đã có 235 sản phẩm OCOP đạt hạng từ ba sao trở lên. Năm 2024, tỉnh Phú Thọ lên kế hoạch phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 80 sản phẩm đạt hạng ba sao trở lên, với giá trị huy động gần 12 tỷ đồng; đồng thời dự kiến phát triển 67 sản phẩm mới hạng ba sao; bốn sản phẩm mới hạng bốn sao; bảy sản phẩm nâng hạng từ ba sao lên bốn sao; bốn sản phẩm nâng hạng từ bốn sao lên năm sao.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng có thị trường ổn định để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân; qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn gắn với phát triển hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề nông thôn, du lịch dịch vụ và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Tỉnh chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm “OCOP Phú Thọ”, đủ sức cạnh tranh trên thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước tiến tới xuất khẩu. Phú Thọ cũng xây dựng kế hoạch thu hút thêm khoảng 10 doanh nghiệp, 25-30 hợp tác xã, tổ hợp tác và 25-30 cơ sở kinh doanh cá thể, hộ gia đình tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP; phát triển thêm 6-8 chuỗi giá trị sản phẩm OCOP có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm OCOP được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt hơn 50%.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung phát triển làng nghề nông thôn với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị kinh tế cao; gắn sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống của tỉnh để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hằng năm, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, công bằng, đúng quy định, không chạy theo số lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận các sản phẩm theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP…), áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu đầu tư hệ thống nhận diện bảo hộ thương hiệu sản phẩm nhằm cải thiện, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Ngọc Long
Báo Nhân dân – nhandan.vn