Phú Thọ: Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản phẩm gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng bốn sao được tiêu thụ tại một số đại lý, gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn liền với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, các ngành chức năng tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ về tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đối với các chủ thể. Đa phần các sản phẩm OCOP được xếp hạng đảm bảo chất lượng, các điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Toàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng từ hạng ba sao cấp tỉnh trở lên. Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy Chương trình OCOP tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Một số sản phẩm OCOP đã được đưa vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, hệ thống siêu thị Winmart, Co.opmart. Hiện có trên 60 chủ thể sản phẩm OCOP đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất.

Gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, huyện Yên Lập là giống gạo đặc sản đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và được xếp hạng sản phẩm OCOP hạng bốn sao. HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Ông Khúc Ngọc Tung – Giám đốc HTX cho biết: “HTX xây dựng quy trình sản xuất, hướng dẫn người dân kỹ thuật từ chăm sóc đến thu hoạch, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với người dân. HTX đóng gói, hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm và được tiêu thụ tại một số đại lý, gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP”.

Nhằm nâng cao tính cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể đã chú trọng đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm; quan tâm mẫu mã, bao bì đóng gói, nhãn mác, chứng nhận về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tiếp thị quảng bá sản phẩm…

HTX Thực phẩm xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao chuyên sản xuất các loại mì rau, củ, sản phẩm mì của HTX được chứng nhận OCOP hạng ba sao. Bà Đào Thị Thu Trang – Giám đốc HTX cho biết: “HTX đặc biệt chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn từ nguyên liệu đến thành phẩm. Việc xây dựng chuỗi liên kết góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các thành viên và hộ tham gia. Nguyên liệu gạo do HTX liên kết tiêu thụ với các hộ nông dân trên địa bàn, nguyên liệu rau được HTX tự sản xuất theo quy trình trồng rau hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm hiện nay đã có mặt tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh như Co.opmart, Phú Cường, cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP”.

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP góp phần phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các siêu thị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Đối với sản phẩm có tiềm năng, quan tâm hỗ trợ, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, phát triển và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, chủ lực, có thế mạnh theo hướng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nguyễn Huế

Báo Phú Thọ – baophutho.vn