Phú Thọ: Việt Trì xây dựng sản phẩm OCOP

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Việt Trì đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình và giai đoạn. Chương trình triển khai với mục tiêu góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Hộ kinh doanh Phạm Văn Tuấn, phường Vân Phú chuyên sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, sản lượng đạt 600kg/năm, giá trị hàng hoá đạt 1,6 tỉ đồng, sản phẩm được công nhận OCOP ba sao.

Mục tiêu phấn đấu của thành phố đến hết năm 2025 phát triển, tiêu chuẩn hóa 13 sản phẩm đạt hạng ba sao trở lên, nâng cấp một sản phẩm, lũy kế đến hết năm 2025 dự kiến có 24 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ ba sao trở lên. Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, ngay sau khi kế hoạch được ban hành, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng, UBND các phường, xã tăng cường rà soát sản phẩm, hướng dẫn các chủ thể nâng cấp sản phẩm, hoàn thành hồ sơ sản phẩm tham gia chương trình.

Theo đó, thành phố tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm OCOP dựa trên các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức kinh tế tập thể, làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh để nâng cấp, phát triển thành sản phẩm OCOP. Để đạt thứ hạng cao, mỗi địa phương chú trọng khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng và chất lượng, thu hút người tiêu dùng. Do đó, các sản phẩm OCOP được thành phố tổ chức đánh giá thường xuyên hằng năm, theo chu trình OCOP quy định, giúp các sản phẩm dần thăng hạng sao.

Thực hiện chuẩn hóa và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và nhu cầu thị trường, thành phố đã tiến hành phân tích mẫu đánh giá chất lượng cho các sản phẩm; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện áp dụng hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện chương trình; tổ chức quản lý, triển khai việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xúc tiến thương mại, bộ nhận diện chương trình; ứng dụng các phần mềm, hệ thống zoom tập huấn cho đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia chương trình.

Bên cạnh đó, thành phố tích cực triển khai các cơ chế, chính sách, trong đó tập trung hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm, tổ chức phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm tham gia chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP và cơ chế thưởng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Tổng huy động nguồn lực thực hiện chương trình trong hai năm 2021 và 2022 là 206 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 108 triệu đồng hỗ trợ thưởng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ngân sách thành phố 98 triệu đồng.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tích cực triển khai; tổ chức cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, siêu thị; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các đơn vị trong và ngoài địa bàn, gắn với các hoạt động văn hóa, tour tuyến du lịch…

Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện, toàn thành phố có 11 sản phẩm của tám chủ thể đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có năm sản phẩm đạt bốn sao và sáu sản phẩm đạt ba sao. Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị; khơi dậy tiềm năng, đặc biệt là các giá trị văn hóa để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ du lịch… góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất từ 10-15%.

Để đạt mục tiêu như kế hoạch đã đề ra, theo ông Nguyễn Xuân Tám- Trưởng phòng Kinh tế thành phố, thời gian tới, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia thực hiện chương trình; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện; phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể thực hiện chương trình theo từng nội dung cụ thể; tiếp tục nâng cấp tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đảm bảo nội dung các tiêu chí, đánh giá phân hạng sản phẩm theo quy định; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích tự thân các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP chủ động tổ chức sản xuất hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Phương Thảo

Báo Phú Thọ – baophutho.vn