Du khách Hàn Quốc trải nghiệm tại làng nghề làm mỳ gạo xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì
Đánh thức tiềm năng
Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, Phú Thọ là quê hương của các lễ hội truyền thống cội nguồn, điển hình là Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, biểu tượng văn hoá tâm linh, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Phú Thọ có hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ… Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 đã xác định Phú Thọ là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ gắn với lễ hội Đền Hùng và hệ thống các di tích thời đại Hùng Vương. Cùng với nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, Phú Thọ có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn, trong đó phải kể đến: Vườn Quốc gia Xuân Sơn, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, Ao giời- Suối Tiên, thác Cự Thắng, đồi chè Long Cốc… Hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa, thiên nhiên hấp dẫn, Phú Thọ còn được biết đến là tỉnh tập trung nhiều làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời với những sản phẩm có tính độc đáo, chứa đựng hồn cốt của dân tộc và sắc màu văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, các loại nông sản, ẩm thực và những đặc sản của vùng đất trung du trù phú… là những tiềm năng thuận lợi để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Thời gian gần đây, xã Hùng Lô đã xuất hiện trên bản đồ du lịch và ngày càng thu hút du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm tại vùng đất cổ có bề dày lịch sử, nổi bật là quần thể di tích Đình Hùng Lô cổ kính, tiếp đó là những những ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 tuổi trở lên và điều đặc biệt hơn là được đắm mình trong những làn điệu Xoan cổ và được trải nghiệm ở làng nghề truyền thống… Đồng chí Nguyễn Hữu Ích- Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: Chỉ tính riêng quý I năm 2023, điểm du lịch xã Hùng Lô đón được 108 đoàn khách trong nước với gần 5.500 lượt khách, sáu đoàn khách Quốc tế với 109 lượt khách. Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, thời gian qua xã tăng cường tuyên truyền quảng bá thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư nghiên cứu xây dựng loại hình du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch homestay, du lịch cộng đồng. Nâng cao nhận thức của nhân dân về việc phát triển du lịch; duy trì lễ hội rước kiệu, các hoạt động thể thao quần chúng, các trò chơi dân gian, hát Xoan làng cổ tại Đình Hùng Lô; kết hợp với hoạt động trải nghiệm tại các làng nghề thủ công truyền thống, tham quan nhà cổ và ẩm thực đặc sắc của địa phương. Hoàn thiện biển báo chỉ dẫn di tích đảm bảo hệ thống băng zôn tuyên truyền, các biển bảng để du khách có thể check-in…
Cùng với Hùng Lô, hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh có lợi thế nằm trên các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và có các sản phẩm đặc trưng để xây dựng thành điểm dừng chân tham quan cho khách du lịch như: Làng trồng rau Tân Đức, làng nghề Hùng Lô gắn với chương trình City tour Việt Trì; các làng nghề chè Địch Quả, chè Văn Luông, dệt thổ cẩm Kim Thượng gắn với tuyến Việt Trì- Xuân Sơn; các làng nghề như làng tương Bợ, làng nghề đan lát Ba Đông, nuôi trồng và chế biến nấm mộc nhĩ Đoan Thượng gắn với tuyến Việt Trì- Thanh Thủy; các làng nghề như làng tương Dục Mỹ, nón lá Sai Nga gắn với tuyến Việt Trì – Hạ Hòa… đã được chú trọng đầu tư xây dựng phục vụ khách du lịch… Điều này đã và đang khơi dậy tiềm lực phát triển du lịch nông thôn tại nhiều vùng quê vốn thuần nông trên địa bàn tỉnh.
Du khách tham quan trải nghiệm Hát Xoan tại Đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì,…
…đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn
Tạo đà phát triển bền vững
Phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng sẽ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, đồng thời đem lại việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân… Những năm gần đây tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến nhất định, công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn các cộng đồng người dân tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp được đẩy mạnh; chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn góp phần tích cực xây dựng NTM, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân địa phương…
Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành và bước đầu đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng: Sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn; sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô gắn với trải nghiệm các sản phẩm làng nghề làm bánh, mỳ gạo… Ngoài ra một số đồi chè có cảnh quan đẹp tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn đã được khảo sát, đánh giá và đề xuất xây dựng điểm đến, điểm dừng chân phục vụ khách tham quan chụp ảnh, ghi hình, góp phần tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tham quan. Các sản phẩm làng nghề gắn với tuyến du lịch tại bốn trung tâm du lịch trọng điểm đang được quan tâm đầu tư khai thác. Tuy nhiên sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn vẫn chưa phát triển, nhân rộng đến các địa phương có thế mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng nguồn tài nguyên du lịch làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, sản vật địa phương, chưa gắn kết được các thương hiệu sản phẩm nông nhiệp OCOP mỗi xã một sản phẩm cùng với bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên tại mỗi địa phương để hình thành, xây dựng được nhiều điểm tham quan du lịch cộng đồng, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp nông thôn.
Đồng chí Dương Nhị Hà – Trưởng Phòng Phát triển tài nguyên du lịch, Sở VHTTDL cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có hình thức phát triển du lịch nông thôn đặc thù như: Trang trại nông nghiệp có kết hợp cung cấp dịch vụ du lịch; hợp tác xã nông nghiệp có kết hợp cung cấp dịch vụ du lịch, mà hiện chỉ có các loại hình: Homestay, các hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch; các hộ sản xuất kinh doanh làng nghề có cung cấp dịch vụ phục vụ khách du lịch. Thị trường chủ yếu là khách du lịch nội địa, trong đó khách thăm quan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chiếm tỷ lệ lớn trên tổng lượng khách toàn tỉnh…”.
Để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, tỉnh đã xây dựng triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, với mục tiêu cụ thể đó là phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 4-6 điểm du lịch nông thôn được công nhận, gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch… Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách như: Du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ… Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn; xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM; xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững…
Anh Thơ
Báo Phú Thọ điện tử – baophutho.vn