Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng cao

Trong những năm gần đây, du lịch nông thôn đã và đang trở thành một hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành Du lịch Đất Tổ. Qua đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn; giúp tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; góp phần tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.


Văn hóa dân tộc Mường là một đặc trưng thu hút khách du lịch đến với Phú Thọ.

Đa dạng sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa

Xã Xuân Sơn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường và dân tộc Dao. Mỗi dân tộc trên địa bàn xã đều có những bản sắc riêng biệt. Di sản văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn xã còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú. Trong đời sống văn hóa, đồng bào vẫn gìn giữ những nét cơ bản trong phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình cùng với bảo tồn và lưu giữ những giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục…

Bên cạnh phát triển kinh tế, du lịch, người dân nơi đây rất ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình thông qua các chương trình văn nghệ giới thiệu lễ cấp sắc, các làn điệu cầu mùa, trang phục… Phần lớn, các cơ sở lưu trú đều là nhà sàn, nhà gỗ hoặc nhà đất mang đậm nét truyền thống của người Mường, người Dao. Khi đến đây, du khách sẽ ở tại nhà dân, cùng lao động, nấu nướng, sinh hoạt để tự khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, hòa mình cùng phong cảnh nên thơ của những thửa ruộng bậc thang, tận hưởng khí hậu mát mẻ, hệ động thực vật phong phú của hàng nghìn ha rừng nguyên sinh.

Tiêu biểu trong các bản du lịch cộng đồng ở Xuân Sơn là bản Cỏi. Hiện người dân địa phương vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao như: các nghi thức, nghi lễ (nghi thức mặc trang phục dân tộc trong các lễ hội, lễ cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc…); các điệu múa (múa chiêng, múa Lập tĩnh)…; các nghề thủ công nấu rượu, nhuộm vải… Du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng ở bản Cỏi sẽ được thưởng thức ẩm thực địa phương như: Canh măng rêu đá, cá suối chiên giòn, canh rau sắng.

Người dân tộc Dao ở Bản Cỏi

Nắm bắt được xu thế, nhu cầu của du khách, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã tích cực tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngành Du lịch đã tích cực tham mưu, phối hợp với các ngành, đơn vị tập trung nâng cấp, đầu tư phát triển các điểm du lịch và sản phẩm du lịch nông thôn gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, từng vùng, phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch, đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và các địa phương. 

Bà Dương Nhị Hà, Trưởng Phòng Phát triển Tài nguyên Du lịch (Sở VHTTDL) cho biết: Sở đã tích cực tham mưu, phối hợp với các ngành, đơn vị tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, đa dạng gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền; triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên, làng nghề… Đồng thời, xây dựng và chuẩn hóa các sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) về du lịch cộng đồng. Từ đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người DTTS, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Giải pháp mang tính bền vững

Để chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian qua tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Trong đó, ưu tiên lồng ghép xây dựng các điểm du lịch nông thôn theo định hướng của Bộ tiêu chí OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Đồng thời, tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ quản lý; các tổ chức, cộng đồng về du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM.

Một nghi lễ truyền thống của dân tộc Mường ở Phú Thọ

Theo đó, nhiều điểm du lịch nông thôn đã được xây dựng, như: Điểm du lịch ở TP. Việt Trì và vùng ven đô thị; Vườn Quốc gia Xuân Sơn; các điểm du lịch gắn với vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng, vùng chè; vùng đồng bào DTTS của huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập…

Mô hình du lịch trải nghiệm ở đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP Việt Trì) là sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng đầu tiên được tỉnh Phú Thọ định hướng xây dựng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Xã tập trung vào đầu tư, nghiên cứu xây dựng loại hình du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch homestay, phát huy lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa kết hợp với hoạt động trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống…

Khám phá đình Hùng Lô, du khách còn có thể được nghe hát Xoan, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Ông Nguyễn Hữu Ích, Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: Chỉ tính riêng quý I năm 2023, điểm du lịch xã Hùng Lô đón được 108 đoàn khách trong nước với gần 5.500 lượt khách, 6 đoàn khách quốc tế với 109 lượt khách. Mô hình này được coi là hình mẫu để các xã nông thôn khác trên địa bàn tỉnh học tập và làm theo, từ đó tạo đòn bẩy, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.

Mạnh Hà
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn