Phát triển du lịch nông thôn tại Hòa Bình: Làm giàu từ lợi thế của địa phương

Hòa Bình là một trong những tỉnh có lợi thế phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới. Lợi thế đến từ sự phong phú, đa dạng trong phong tục tập quán của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Du lịch cộng đồng đã và đang tạo sinh kế bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hòa Bình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh có 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng từ 3 sao, 4 sao và 5 sao. Trong đó có 4 xóm, bản du lịch cộng đồng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 – 4 sao, gồm: du lịch cộng đồng Hang Kia và du lịch cộng đồng bản Lác (Mai Châu) đạt 4 sao; du lịch cộng đồng Đá Bia (Đà Bắc) đạt 3 sao; du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải (Tân Lạc) đạt 3 sao.

Tại Bản Lác, huyện Mai Châu là nơi hình thành và phát triển du lịch cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam từ nhữngnăm 1990. Đến nay, du lịch cộng đồng đã lan rộng và triển khai thành công ở nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh Hòa Bình, nhất là các bản vùng cao nơi đồng bào dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông sinh sống. Làm du lịch cộng đồng không có nghĩa là chuyển đổi ngành nghề mới mà dựa trên nền tảng nguồn tài nguyên phong phú, kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Mô hình du lịch cộng đồng tại Bản Lác, huyện Mai Châu qua gần 30 năm xây dựng và phát triển hiện vẫn là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn bậc nhất được nhiều khách trong nước, quốc tế lựa chọn, đặc biệt vào dịp cuối tuần, lễ, Tết. Bên cạnh dịch vụ đón tiếp khách ngủ, nghỉ, các hộ dân trong bản vẫn duy trì cấy lúa, trồng hoa màu, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái… Đây chính là những yếu tố thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm

Xóm Đá Bia là một trong những bản được chọn hỗ trợ làm du lịch cộng đồng. Hiện nay, xóm Đá Bia có 5 nhà nghỉ cộng đồng với không gian sinh hoạt đậm văn hóa nhà sàn của đồng bào Mường Đà Bắc. Ngoài nói tiếng dân tộc, tiếng Kinh, phần lớn phụ nữ, thanh niên, trẻ em trong bản nói tiếng Anh và tiếng Pháp rất tốt. Theo bà Bùi Thị Nhềm, chủ homestay Ngọc Nhềm tại xóm Đá Bia, huyện Đà Bắc cho biết, trước đây, Đá Bia là xóm nhỏ, ốc đảo biệt lập bởi núi rừng và sông nước. Từ khi làm homestay, được sự hướng dẫn của chính quyền và Tổ chức AOP, khi cải tạo xây dựng lại nhà sàn, các hộ dân trong bản vẫn giữ nguyên kiến trúc cùng nét văn hóa riêng biệt, đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, đồng thời kết nối, cung cấp nhiều dịch vụ trải nghiệm đến du khách.“Từ tháng 3/2022 đến nay, vào dịp cuối tuần và ngày nghỉ, xóm Đá Bia luôn trong tình trạng kín khách đặt chỗ. Tất cả hộ kinh doanh homestay đều có sự kết nối, chia sẻ khách với nhau, giúp các gia đình có thu nhập cao, ổn định cuộc sống”

Xuất phát từ nhu cầu của người dân, mô hình du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, khi các vườn cam Cao Phong (một trong những sản phẩm OCOP của huyện Cao Phong) bắt đầu chín cũng là lúc lượng khách đổ về rất đông. Du khách được hòa mình với môi trường nông thôn thanh bình, ngắm nhìn những trái cam chín ngọt, ghi lại những khoảnh khắc đẹp cùng thiên nhiên. Khai thác tiềm năng này, nhiều chủ vườn đã đầu tư các khu nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn để đáp ứng nhu cầu của du khách.Với hình thức du lịch mới này, các vườn cam nhanh chóng trở thành điểm tham quan, dã ngoại, chụp ảnh check in thu hút du khách. Điều này không chỉ mang lại thu nhập tăng thêm cho người dân, mà còn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, quảng bá nông sản địa phương.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong chia sẻ: Với mong muốn quảng bá, giới thiệu cam Cao Phong và bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Mường Thàng, HTX chúng tôi đang thực hiện đón khách tới thăm quan, trải nghiệm tại vườn cam. Tổng diện tích trồng cam của HTX trên 43,9 ha, 100% diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Khám phá những vườn cam sai trĩu quả, du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, trải nghiệm hái cam; thưởng thức những món ăn truyền thống của địa phương tại ngôi nhà sàn bằng tre, gỗ, mái lá đơn sơ. Năm 2020, HTX đón gần 500 lượt khách thăm quan, trải nghiệm. Phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp sạch giúp HTX có được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định

Để phát triển du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch về triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh.Tỉnh phấn đấu có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.4Tỉnh phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Mặc dù tạo được nhiều dấu ấn đối với du khách, song việc phát triển DLNT tại tỉnh còn nhiều khó khăn như: Hệ thống giao thông kết nối các bản, điểm DLCĐ thiếu đồng bộ; hệ thống cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải chưa được đầu tư; hạ tầng viễn thông liên lạc chất lượng thấp; nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, vấn đề liên kết giữa ngành du lịch với ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Các chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ và chuẩn hóa sản phẩm OCOP còn thiếu và chưa chi tiết, dẫn tới việc chuẩn hóa nhóm dịch vụ DLCĐ và điểm du lịch trong Chương trình OCOP gặp nhiều khó khăn.

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, góp phần làm phong phú dịch vụ du lịch, từ đó giúp nâng tầm sản phẩm OCOP, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững. Chính vì vậy, mô hình này cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để thực hiện có hiệu quả cao trong thời gian tới.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Minh Ngọc

Báo Văn hóa điện tử – baovanhoa.vn