“Nữ hoàng trà” Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Không phải ngẫu nhiên mà trà hoa vàng Tam Đảo được điểm tên và được đặt ở các khu nghỉ dưỡng, khách sạn nổi tiếng hay các gia đình giới thượng lưu ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia, Bỉ… Câu chuyện về loài hoa được mệnh danh là “Nữ hoàng trà” này còn ẩn chứa nhiều điều đặc biệt hấp dẫn.


Khu bảo tồn trà hoa vàng tại Vườn Quốc gia Tam Đảo

Vừa trải qua bình độ từ 800 – 1.500m trong rừng kín thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Tam Đảo, chúng tôi được đại ngàn “mở cửa” đón chào với một khung cảnh bạt ngàn các loài cây, ở đó, chúng tôi đã gặp được muôn loài cây quý mà tạo hóa đã ban cho con người.

Anh Đặng Văn Thạch, kỹ sư lâm nghiệp, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Tam Đảo dẫn chúng tôi đi tham quan và nói về từng loài cây ở đây, đặc biệt là một loài được mệnh danh là “Nữ hoàng trà” – trà hoa vàng.

Nhìn những cây trà hoa vàng căng tràn sức sống đan xen với những loài cây khác trong rừng… chúng tôi mê mẩn với sắc đẹp và màu vàng quyến rũ của những cánh hoa.

Anh Thạch chia sẻ: “Đây là những cây trà hoa vàng hiếm hoi còn trên VQG được bảo tồn hàng chục năm trở lại đây, nhiều thương lái Trung Quốc đã tới tận bìa rừng thu mua, bà con quanh vùng lên rừng săn tìm và chặt đem về bán cho họ, cây có gốc to thì giá càng cao. Cũng do bị khai thác quá nhiều nên giờ loài cây này còn ít, phải vào sâu trong rừng và ở những độ cao nhất định mới có thể thấy được nó”.

Người dân trong vùng Tam Đảo bảo tồn và nhân giống nhiều loại trà hoa vàng tại vườn nhà

Như một báu vật mà rừng xanh ban tặng, trà hoa vàng được các nhà khoa học thế giới mệnh danh là “Nữ hoàng trà”, “Gấu trúc khổng lồ của hệ thực vật”, là “Hoa hậu của muôn loài hoa”. Nay, chúng tôi được tận mắt chứng kiến “Nữ hoàng trà” trổ hoa giữa màu xanh bạt ngàn, những bông hoa cuối cùng còn sót lại để cây tiếp tục nuôi dưỡng tới mùa đông mới có thể đâm chồi nảy lộc…

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 2/1923, một thầy thuốc người Pháp – Alfred Petelot đã thu thập một số loài thực vật của vùng núi – nay là VQG Tam Đảo. Dựa trên mẫu vật lưu giữ này, nhà thực vật người Pháp Elmer Drew Merill đã công bố loài mới và đặt tên là Thea petelotii vào năm 1924, sau đó nhà thực vật người Anh đã đổi tên thành Camellia petelotii (Merr). Đây là loài Camellia đầu tiên ghi nhận có ở VQG Tam Đảo.

Tháng 1/1998, trong đợt khảo sát sự đa dạng sinh học cho Camellia ở VQG Tam Đảo, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ninh cùng Giáo sư Taoshi Hakoda – Nhật Bản đã công bố 3 loài trà mới, trong đó có 2 loài thu thập tại đây. Và trong những đợt khảo sát tiếp theo, năm 2002, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ninh đã công bố trên tạp chí trà quốc tế 50 loài trà ghi nhận có ở Việt Nam, trong đó có 12 loài trà ở VQG Tam Đảo.

Trong cuốn sách “Các loài trà của VQG Tam Đảo” của Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ninh xuất bản năm 2009 đã được ông Kirino Shuho (nguyên Chủ tịch Hội trà Nhật Bản) cung cấp cho một số tư liệu quý.

Theo tư liệu của cuốn sách, Tam Đảo đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài tạo nên sự đa dạng sinh học, nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến đa dạng sinh học ở Tam Đảo đã được công bố.

Các tác giả cùng với các chuyên gia nước ngoài đã phát hiện nhiều loài trà mới chỉ gặp ở VQG Tam Đảo và các cuộc khảo sát khẳng định VQG Tam Đảo có số loài trà phong phú nhất trong số các VQG của Việt Nam, đặc biệt là trà hoa vàng – một nguồn gen vô cùng quý hiếm chỉ gặp ở các tỉnh Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam.

Với nhiều loài trong chi Camellia, trà hoa vàng là loài có giá trị nhất và số được phát hiện khoảng 35 loài, trong đó, những loài quý hiếm chỉ phân bố duy nhất ở VQG Tam Đảo như trà hoa vàng Pêtêlô – Camellia petelotii.

“Nữ hoàng trà” có cái tên từ đó bởi sự quý hiếm vô cùng, trong trà có chứa tới 400 thành phần dinh dưỡng trong tự nhiên, trong đó có nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe con người, không chỉ có tác dụng giảm đến 35% hàm lượng Cholesterol trong máu, điều hòa lưu lượng máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, thúc đẩy bài tiết Insulin, kích hoạt các Enzyme ở người mà nó còn có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u tới 33,8%. Trong lá và hoa của trà hoa vàng có chứa rất nhiều hoạt chất chống oxi hóa cho nên nó có tác dụng rất lớn trong việc chống lão hóa.

Ngoài ra, trong trà hoa vàng còn chứa các Vitamin B1, B2, C và E cùng các nguyên tố vi lượng lượng khác như Selen, Gecmani, Kẽm, Kali…, các chất này đều có tác dụng rất lớn đối với sức khỏe con người.

Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc đã có mặt tại các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia, Bỉ…

Nhiều năm trước, trà hoa vàng bị người dân khai thác triệt để khiến loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Do sự quý hiếm cũng như giá trị kinh tế, hoạt động khai thác diễn ra đến tận các đỉnh núi tại tất cả các thảm thực vật của VQG Tam Đảo, người dân đã chặt hạ, thậm chí đào cả cây đem về bán. Cũng trong giai đoạn này các thương lái Trung Quốc tới Tam Đảo thu mua ồ ạt với giá cao.

Nhận thức được giá trị của loài cây này, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế thuộc VQG Tam Đảo đã nỗ lực bảo tồn các loài cây, con quý hiếm, hiện nay toàn bộ khu vực bảo tồn có tới 7 loài trà hoa vàng được chăm sóc kỹ lưỡng.

Cùng với đó, nhờ công tác tuyên truyền, người dân quanh vùng đã nhận thức được giá trị cần bảo tồn, gìn giữ, nhiều gia đình đã bắt đầu sưu tầm, nhân giống. Hiện, dưới chân núi có nhiều hộ gia đình trồng cây trong vườn nhà; đồng thời, quy hoạch, cải tạo hàng héc ta để trồng trà, điển hình ở xã Hồ Sơn, xã Tam Quan, thị trấn Đại Đình (Tam Đảo).

Anh Nguyễn Văn Đại, xã Tam Quan là một trong những người đầu tiên trong vùng trồng và nhân giống thành công loài trà hoa vàng. Anh chia sẻ: “Sống dưới chân núi và được biết về loài trà hoa vàng khá lâu, trước đây, khi vào rừng, đi men theo suối là rất dễ gặp cây mọc, mùa Xuân và mùa Đông, hoa nở vàng đẹp mắt nhưng một thời gian, do sự chặt phá, tận diệt loài cây này nên rất hiếm gặp. Gia đình tôi đã tìm kiếm những cây trà trong rừng sâu mang về trồng, nhân giống và phát triển vùng trồng”.

Để xây dựng thương hiệu trà hoa vàng Tam Đảo, anh Đại đã thành lập Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc chuyên sản xuất sản phẩm từ cây trà hoa vàng vùng núi Tam Đảo; đồng thời, liên kết với các hộ dân cung cấp giống, mở rộng diện tích và thu mua bao tiêu sản phẩm. Áp dụng quy trình VietGAP từ lúc nhân giống, trồng cho đến khi thu hoạch, tạo sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng.

Với nhiều sản phẩm phong phú đạt tiêu chuẩn OCOP từ trà hoa vàng như trà hoa vàng sấy thăng hoa, trà hoa vàng túi lọc, sữa gạo lứt trà hoa vàng…, sản phẩm trà hoa vàng của công ty đã có mặt tại các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia, Bỉ…

Không chỉ Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc mà còn có các công ty khác trên địa bàn huyện Tam Đảo đã được thành lập và hầu hết các doanh nghiệp này không chỉ tính đến việc tập trung khai thác, cho ra nhiều sản phẩm từ trà hoa vàng mà đều chú trọng bảo tồn giống trà quý này.

“Nữ hoàng trà” đang được VQG Tam Đảo và những hộ dân trong vùng bảo tồn, gìn giữ và nhân rộng. Để trà hoa vàng có thể trở thành thương hiệu riêng, nổi tiếng của vùng Tam Đảo Vĩnh Phúc, các khu trồng và trưng bày sản phẩm trở thành nơi phát triển du lịch và bảo tồn sinh thái thì chính quyền địa phương cũng cần quy hoạch, phát triển vùng trà cũng như quan tâm, có cơ chế để khuyến khích người dân phát triển giống trà quý này.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn