Tuần văn hóa du lịch Đại Bình (Nông Sơn, Quảng Nam) (11 – 17/8) vừa kết thúc để lại ấn tượng khá đậm nét trong lòng du khách. Một cuộc hội làng tổ chức chuyên nghiệp với dấu ấn không nhỏ từ chính những người làng…
Du lịch cộng đồng tại làng Đại Bình ngày càng chuyên nghiệp. Ảnh: X.H
Ông Trần Kim Hùng (chủ nhân khu vườn nhà “Chị Hỷ”) cho biết, đợt lễ hội này, gia đình ông đón hơn 200 lượt khách ra vào thăm lẫn lưu trú trong suốt những ngày lễ hội.
Khu vườn “Chị Hỷ” là một trong 5 homestay được nhiều vận động viên tham gia giải chạy marathon “Khám phá Nông Sơn” năm 2022 đánh giá cao về chất lượng, để khi quay lại với giải chạy năm 2023, họ tiếp tục chọn lựa đây trở thành điểm lưu trú. Một khu vườn rộng với hơn 200 các loại cây ăn trái cùng các dịch vụ lưu trú khá bài bản, sạch sẽ là điểm thu hút của địa chỉ này.
“Sau nhiều lần được đi tham quan, học hỏi mô hình làm du lịch cộng đồng ở nhiều nơi, gia đình tôi với lợi thế có sẵn vườn cây ăn trái cũng như gian nhà rộng rãi, tôi đầu tư thêm một số thiết bị phục vụ sinh hoạt, lưu trú.
Xác định làm du lịch cộng đồng là để khách đến cùng sinh hoạt, cùng hiểu về văn hóa địa phương, người nhà tôi cũng kiêm luôn hướng dẫn viên bản địa, hỗ trợ du khách mọi thông tin cũng như các điểm đến đặc sắc ở làng” – ông Trần Kim Hùng nói. Một đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp là người dân ở làng chính là điều huyện Nông Sơn đang hướng tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, địa phương đã xây dựng Đề án phát triển du lịch làng Đại Bình giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chung là đưa làng Đại Bình trở thành điểm đến du lịch trọng tâm của huyện Nông Sơn, đóng vai trò là điểm nghỉ lại cho du khách để tham quan các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện.
Với việc thể hiện đầy đủ các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội đặc trưng của làng Đại Bình bằng những tour du lịch, trải nghiệm về ẩm thực, nghề truyền thống, lễ hội… để kéo khách du lịch lưu trú tại làng.
Người dân đóng vai trò quan trọng nhất khi phải giữ vững văn hóa nguyên bản, ẩm thực truyền thống, và có nhiệm vụ gia tăng sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên bằng cách chăm sóc vườn nhà và không gian xanh của làng.
“Huyện đã từng bước hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm du lịch cũng như nâng cao kỹ năng vận hành các dịch vụ, kỹ năng tự quảng bá sản phẩm. Lễ hội này giống như một đợt tập dượt để người dân ở đây làm quen dần với hoạt động du lịch cộng đồng như xây dựng tour – tuyến, thuyết minh để đón khách tham quan, cùng liên kết mở rộng thị trường khách.
Về phía chính quyền, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các công ty lữ hành để tăng tỷ lệ khách đoàn đến làng, tiếp tục hỗ trợ nâng cao vai trò của ban quản lý điểm du lịch trên cơ sở xây dựng các tổ, nhóm dịch vụ; xây dựng quy chế hoạt động sát với tình hình thực tế. Từ đây, người dân quyết tâm để thúc đẩy du lịch ở làng phát triển mạnh hơn” – bà Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
Lê Quân
Báo Quảng Nam Online – baoquangnam.vn