Ninh Bình tạo thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn tỉnh

(TITC) – Ninh Bình với địa hình đa dạng có cả đồi núi, đồng bằng và ven biển; hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp đã có lịch sử lâu đời. Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có hơn 70 làng nghề truyền thống, hàng nghìn trang trại, gia trại. Các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn đã và đang trở thành hướng đi mới, mang lại hiệu quả cho người dân khu vực nông thôn trên cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng.

Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh đang triển ở khắp các địa phương của Ninh Bình đã tạo nên những “làng quê đáng sống” với những con đường hoa, những bức tranh bích họa trên tường… Đây chính là nguồn “nguyên liệu” phong phú, giá trị để Ninh Bình xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn hấp dẫn thu hút du khách. 

Một số địa phương phát triển mạnh mô hình du lịch nông nghiệp – nông thôn hiện nay ở Ninh Bình có thể kể đến xã Gia Vân, Gia Hòa ở huyện Gia Viễn; xã Sơn Hà, huyện Nho Quan; xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên của huyện Hoa Lư; xã Yên Mạc, Yên Từ ở huyện Yên Mô; xã Đông Sơn thuộc thành phố Tam Điệp… 

Phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại các địa phương nói chung và Ninh Bình nói riêng, giúp khai thác các giá trị nội tại của vùng nông thôn, duy trì, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Đây còn là hướng phát triển đem lại thu nhập cao và bền vững cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. 

Tuy nhiên để tạo ra được nguồn thu lớn, phát triển một cách bài bản, quy mô theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.

Để hỗ trợ người dân phát triển du lịch, vừa qua Sở Du lịch Ninh Bình đã tham mưu để Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành những Nghị quyết với nội dung thúc đẩy sự phát triển của du lịch nông nghiệp – nông thôn, trong đó có những nhiệm vụ như: bảo tồn các giá trị văn hóa; xây dựng đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm… Đặc biệt là chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp ở vùng du lịch nông thôn xây dựng những sản phẩm mới đặc trưng để hấp dẫn du khách.  

Tới đây, trong quá trình phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn, nếu có những vướng mắc, ngành du lịch sẽ tiếp tục tham mưu đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện để loại hình du lịch này phát triển, bởi nó không chỉ đóng góp cho an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm mà còn là sinh kế cho bà con nông dân.

Ông Cao Kim Kiên, chủ cơ sở du lịch nông thôn Hang Trâu (Hoa Lư, Ninh Bình) mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn về tiếp cận nguồn vốn, phát triển đào tạo nguồn nhân lực để mỗi người nông dân không chỉ làm tốt công việc sản xuất nông nghiệp hằng ngày, mà còn được đào tạo các kiến thức bài bản, trở thành những hướng dẫn viên du lịch, nói chuyện và kể cho du khách nghe những câu chuyện về lịch sử quê hương mình.

Có thể thấy, Ninh Bình đang hết sức chú trọng đến việc tạo những hành lang pháp lý, tạo ra các cơ sở vật chất kết nối các chương trình quảng bá và có những chính sách để phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả bước đầu từ du lịch nông nghiệp nông thôn tại Ninh Bình cho thấy, đây là một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng, kinh tế nông thôn, nông nghiệp nói chung.

Trung tâm Thông tin du lịch