(TITC) – Với nền nông nghiệp trù phú cùng nhiều làng nghề, văn hóa đặc trưng, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đang xây dựng lộ trình cụ thể để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích hợp, đa giá trị, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang, tiện nghi. Những ngôi nhà được gìn giữ sạch đẹp từ nhà đến ngõ. Nhiều tuyến đường được trồng cây, trồng hoa xanh tươi, rực rỡ, tạo điểm nhấn về cảnh quan. Nếp sống văn hóa ngày càng được củng cố, các sinh hoạt, phong tục tập quán lành mạnh vẫn được nhân dân bảo tồn và phát triển. Xã có câu lạc bộ hát chèo, câu lạc bộ múa trống thường xuyên sinh hoạt, biểu diễn.
Trong một cuộc khảo sát gần đây về xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông thôn tại xã Khánh Thiện, các nhà quản lý, chuyên gia đều có chung nhận xét: Với giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, cảnh quan đẹp và làng nghề truyền thống đặc sắc, Khánh Thiện có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Khánh Thiện là một vùng quê trù phú, bên dòng “sông thơ, sông lụa” còn bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống thông qua các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, tồn tại bên những làng nghề là tiềm năng cho việc phát triển du lịch.
Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện Phạm Hồng Quang cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngoài việc chỉnh trang, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, lãnh đạo xã rất trăn trở làm cách nào để gia tăng thu nhập cho người dân. Thực tế quỹ đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không còn nhiều, do vậy, xã đang quyết tâm chuyển hướng sang làm du lịch, việc này vừa tạo thêm việc làm, vừa là kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, ngoài tiềm năng sẵn có thì lộ trình, cách làm như thế nào để mở lối cho du lịch địa phương phát triển rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chức năng.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh, mỗi điểm đến, mỗi sản phẩm du lịch đều bắt nguồn từ các câu chuyện văn hóa. Bởi vậy, trước tiên Khánh Thiện cần lựa chọn, tạo ra các điểm nhấn về văn hóa. Các di tích như chùa Đọ, chợ Xanh…, các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm do chính người dân địa phương biểu diễn sẽ góp phần tạo nên các sản phẩm hấp dẫn du khách.
Về hạ tầng, qua những năm xây dựng nông thôn mới xã Yên Khánh đã cơ bản hoàn chỉnh, chỉ cần đầu tư, quy hoạch thêm bãi đỗ xe, nơi đón tiếp khách, nhà vệ sinh, còn hệ thống nhà hàng, khách sạn có thể đầu tư từng bước. Bước đầu, Sở Du lịch Ninh Bình sẽ hỗ trợ địa phương trong việc tư vấn, thiết kế sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá, kết nối với các điểm đến khác; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thêm các kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là người dân, vì thế địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của bà con, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và phát huy các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cũng như gìn giữ cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác giữa các bên liên quan để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản cũng như phát triển sản xuất, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ngày càng diễn ra nhanh, nhu cầu được tìm về những vùng quê bình dị để tận hưởng cảnh quan tươi đẹp, thanh bình, không khí trong lành ngày càng nhiều.
Vì thế, phát triển du lịch nông thôn được nhận định là giải pháp góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng không gian phát triển cho du lịch Ninh Bình. Nếu mô hình du lịch nông thôn ở Khánh Thiện được xây dựng thành công thì đây sẽ là hình mẫu để các xã nông thôn khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình học tập và làm theo, từ đó tạo đòn bẩy, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của Ninh Bình theo hướng tích hợp đa giá trị.
Một số hình ảnh du lịch nông thôn tại xã Khánh Thiện:
Trung tâm Thông tin du lịch