Ninh Bình: Giám sát chuyên đề thực hiện quy định về quản lý sản phẩm OCOP tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Ngày 02/7, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Ninh Bình tổ chức Đoàn giám sát Chuyên đề việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác chứng nhận, quản lý nhãn hiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Đoàn giám sát làm việc tại Sở NN&PTNT

Giai đoạn 2021-2023 Sở NN&PTNT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm trên địa bàn. Nổi bật là Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 96/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 để điều chỉnh nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với quy định của trung ương; đồng thời, kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; thông tin, tuyên truyền, quảng bá phát triển thị trường… Kết quả, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 181 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên của 110 chủ thể. Trong đó có 70 sản phẩm đạt 4 sao, 111 sản phẩm đạt 3 sao; 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, số lượng sản phẩm được công nhận đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm… chương trình đã và đang có sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Phần lớn các sản phẩm đã khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.

Trong quá trình thực hiện Chương trình còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: số lượng sản phẩm OCOP tăng lên từng năm nhưng cơ cấu sản phẩm đạt 4 sao còn thấp; các sản phẩm khi tham gia đánh giá lại theo Bộ tiêu chí mới gặp khó trong việc duy trì mức độ đạt sao, nhiều sản phẩm có nguy cơ giảm sao xếp hạng; một số chủ thể còn lúng túng trong việc chủ động hoàn thiện, chuẩn hóa hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình…

Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả mà ngành NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan đã nỗ lực phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác chứng nhận, quản lý nhãn hiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023. Đồng thời đề nghị các địa phương chọn sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu để có cơ chế hỗ trợ đầu tư, phát triển; xác định tiêu chí về tỷ lệ vùng nguyên liệu nội địa, số lao động trong mỗi mô hình; chú ý lập quy hoạch sản xuất sản phẩm OCOP ở mỗi địa phương, tạo lập chuỗi liên kết sản xuất, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký bảo hộ trí tuệ; thực hiện chính sách khuyến công, ưu tiên áp dụng máy móc công nghệ hiện đại; tăng tính hấp dẫn, thu hút ở các câu chuyện sản phẩm… Đoàn cũng tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của đơn vị và sẽ tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh là nội dung sẽ được chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV được tổ chức tới đây./.

Thanh Thu

Đài PT&TH Ninh Bình – nbtv.vn