Người dân Mai Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) tự giác làm đẹp làng quê

Thôn Phan Xá là đơn vị được xem như dẫn đầu của xã Mai Thủy, tỉnh Quảng Bình trong chặng đường phát triển nông thôn mới nâng cao.

Xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy – Quảng Bình) cán đích nông thôn mới vào năm 2015 và đang trên bước đường xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Mai Thủy cho biết: “Địa phương chúng tôi có 8 thôn đang nỗ lực xây dựng trở thành khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, đã có 4 thôn được công nhận. Thôn Phan Xá là đơn vị được xem như dẫn đầu của xã trong chặng đường phát triển nông thôn mới nâng cao”.

Xem những nơi làm hay để sáng tạo làm đẹp thêm

Thôn Phan Xá (xã Mai Thủy) là một làng quê vùng giữa của huyện Lệ Thủy. Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong xây dựng khu dân cư (KDC) kiểu mẫu và đạt chuẩn các tiêu chí vào năm 2022.

Anh Phạm Thanh Tuấn, Trưởng thôn Phan Xá cho biết, năm 2018, Phan Xá được UBND huyện Lệ Thủy chọn làm điểm xây dựng KDC kiểu mẫu. Để sớm hoàn thành các tiêu chí, thôn Phan Xá đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, rà soát và đánh giá tổng thể để xem xét, cân nhắc các bước trong quá trình thực hiện.

Việc lấy ý kiến của các bậc lão thành có kinh nghiệm cũng được thực hiện. Ngoài ra, thôn cũng đã tổ chức cho các hạt nhân đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn để có cơ sở xây dựng ở Phan Xá. Việc xây dựng KDC kiểu mẫu ở Phan Xá đã lan tỏa từ trong làng ra đến đồng ruộng, từ bờ sông bến nước cho đến đầu làng cuối xóm. Với sức mạnh tổng hợp cùng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Nhờ vậy mà chúng tôi sớm đạt được chuẩn “vùng quê đáng sống”.

Một tuyến đường giao thông ở thôn Phan Xá, ảnh: T. Phùng.

Một tuyến đường giao thông ở thôn Phan Xá, ảnh: T. Phùng

Xây dựng KDC kiểu mẫu ở Phan Xá được thực hiện theo quy trình 8 bước. Trong đó, xác định tiêu chí nào dễ thực hiện trước, phần việc nào thuộc về hộ gia đình thì gia đình đảm nhiệm, phần việc nào thuộc tập thể thì phát động toàn dân và con em quê hương làm ăn ở xa cùng chung tay xây dựng.

“Trong phong trào xây dựng KDC kiểu mẫu ở Phan Xá, nhân dân và con em xa quê ủng hộ được hơn 3 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa, khu trung tâm văn hóa tâm linh, nhà làm việc cộng đồng, sân bóng đá, bóng chuyền, sân nhà văn hóa, xây dựng công viên đá, kè bờ sông Kiến Giang và các công trình phúc lợi khác. Hơn nữa, các tuyến đường trong KDC đều bê tông hóa, trồng cây xanh bóng mát theo quy hoạch, hàng rào xanh đường hoa được cắt tỉa với hơn 1.500m…”, trưởng thôn Phan Xá Phạm Thanh Tuấn nói đầy tự hào.

Đến nay, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Phan Xá còn 8 hộ. Tỷ lệ hộ giàu chiếm trên 36%, hộ khá chiếm 55%, hộ trung bình 9%; có trên 50% hộ có nhà cao tầng, có ô tô sử dụng cho gia đình hoặc kinh doanh.

Người dân Phan Xá tự giác quét dọn sạch đường làng mỗi ngày. Ảnh: T. Phùng.

Người dân Phan Xá tự giác quét dọn sạch đường làng mỗi ngày. Ảnh: T. Phùng

Trách nhiệm mỗi người mỗi phần…

Chúng tôi về thôn Phan Xá vào một chiều khi cái nắng miền Trung chưa dịu lại. Trước nhà văn hóa thôn là sân vận động cỏ mọc xanh rì. Sân vận động cũng là nơi mỗi chiều lại diễn ra những trận “thơ hùng” bóng đá sôi nổi của cánh trẻ với cánh trung niên.

Giữa nhà văn hóa thôn và sân vận động là con đường bê tông rộng, phẳng được quét dọn sạch sẽ, ngời lên dưới nắng. Bên đường, hàng cây lộc vừng khép tán tỏa bóng mát như làm dịu cái nắng chiều còn gay gắt. Trên bộ bàn ghế đá dưới gốc một cây lộc vừng lớn, lá xanh ngăn ngắt, bà Hoàng Thị Hải (93 tuổi) đang cùng ngồi hóng mát và trò chuyện với bà Dương Thị Rạch (87 tuổi).

Tuổi cao, nhưng cả hai bà còn minh mẫn lắm, cứ nói chuyện xưa, chuyện nay say sưa. Đưa tay chỉ lên vùng đất làm công viên nhỏ bên hông nhà văn hóa, bà Hải bảo, đó là vùng đất của nhà tôi canh tác đó. Sau này, để làm đẹp và xây dựng công viên của nhà văn hóa thì bà vận động con cháu trong nhà hiến tặng luôn chứ không tính toán thiệt hơn gì cả.

Nghe bà Hải nói xong, bà Rạch cũng ríu rít nói vào như xác nhận: “Ừ phải đó. Nhờ rứa mà làm đẹp thêm cho thôn. Rồi đám con cháu cũng có chỗ mà chơi đùa. Ngày Tết đến, con cháu tha hồ đến để chụp ảnh đó nữa chớ”.

Anh Hoàng Đại Vương tự nhận phần việc cắt tỉa cây cho mình. Ảnh: T. Phùng.

Anh Hoàng Đại Vương tự nhận phần việc cắt tỉa cây cho mình. Ảnh: T. Phùng

Khi ánh nắng chiều đã có phần dịu hơn, chị Đặng Thị Thu cầm cây chổi cán dài ra ngõ rồi gọi chị Dương Thị Long nhà bên kia đường tranh thủ đi làm vệ sinh phong quang tuyến đường giữa hai nhà. Quét gom rác, lá khô rồi hốt cho vào thùng rác. Thùng rác ở đây được bà con đơn giản hóa bằng những bao tải đựng phân bón hay thức ăn chăn nuôi. Bà con tận dụng rửa sạch và treo lên những cây cọc cắm bên vệ đường. Chiều chiều, những người tản bộ trên đường thấy rác đều tự giác nhặt cho vào bao.

Người cao tuổi tự hào kể về vùng quê đáng sống Phan Xá của mình. Ảnh: T. Phùng.

Người cao tuổi tự hào kể về vùng quê đáng sống Phan Xá của mình. Ảnh: T. Phùng

Khi quét sạch đoạn đường, chị Thu nghỉ tay và cho chúng tôi hay, trước đây thì vài ngày là thôn phát động người dân tập trung làm vệ sinh các tuyến đường. Nhưng sau này thì bà con tranh thủ lúc nào rảnh thì gọi nhau 2-3 người quét dọn đoạn đường ở gần nhà chứ không đợi đến ngày phát động. Lâu ngày thành thói quen tốt, cứ ai rảnh tay lúc nào thì cầm chổi ra ngõ làm vệ sinh.

“Tính tự giác đã thành thói quen của mọi người rồi. Thành ra, bây giờ thôn cũng không phải phát động làm vệ sinh nữa vì tuyến đường nào cũng được quét dọn sạch lắm. Mọi người bảo nhau sân nhà có thể bộn một tý sẽ dọn sau. Nhưng đường thôn là phải luôn sạch, là không được ngơi tay”, chị Thu nói trong tự hào.

Khi nắng chiều đã nhạt và những cơn gió nồm thổi mát dọc các tuyến đường thôn thì anh Hoàng Đại Vương chạy xe máy tà tà rồi dừng lại. Anh hý hoáy mở dây buộc chiếc máy cắt cỏ chạy bằng xăng buộc sau xe rồi xách đi đến hàng rào cây chè tàu trồng bên đường trước nhà văn hóa thôn. Tiếng máy nổ cành cạch trong bước chân anh đi dọc hàng rào xanh. Chưa đến chục phút đồng hồ, tuyến hàng rào xanh đã được anh dùng máy cắt tỉa “vuông thành, sắc cạnh”, đẹp như tranh vẽ. Đợi cho anh buộc xong cái máy lên xe, chúng tôi đến hỏi chuyện công xá. Anh cười bảo, tự nguyện thôi.

Trên đường làng Phan Xá mỗi buổi chiều. Ảnh: T. Phùng.

Trên đường làng Phan Xá mỗi buổi chiều. Ảnh: T. Phùng

Hóa ra, chẳng có công xá gì. Cái máy cắt là của thôn “đầu tư” cho anh giữ, bảo quản. Trong thôn ai cần thì cứ ới anh một tiếng là xong. Còn hàng rào xanh trên các tuyến đường là do anh quản. Cứ tháng là anh buộc máy chạy vòng vòng. Thấy hàng rào nào đã mọc lia chia cành là anh …xén cho đẹp. “Mỗi lần vậy thì cũng chỉ tốn xị xăng thôi. Coi như mình góp chút cho đẹp thôn. Hoặc nhà nào cần việc thì đổ đầy xăng, làm xong còn dư là để dành đó, tôi đem đi cắt tỉa hàng rào canh dọc các tuyến đường của thôn”, anh Vương nói thật vui tai.

Đến bất ngờ lúc nào ở thôn Phan Xá đều xanh-sạch- đẹp bởi những tuyến đường hoa bung nở trong nắng. Chiều chiều, Trưởng thôn Phan Thanh Tuấn lại lấy cái xe đạp địa hình đạp lòng vòng quanh các đường. Có hôm, gặp tụi nhỏ, chúng cũng hùa xe theo làm mọi người cứ tưởng là khách du lịch.

“Cũng có nhiều khách đến đây thăm quan rồi. Họ đến để thấy vùng quê đáng sống là thật để rồi hỏi vì sao chúng tôi làm được, có ai đầu tư không. Những khi đó, tôi chỉ nói là bà con mỗi người mỗi phần trách nhiệm. Vun toàn bộ trách nhiệm đó mà thành công”, Trưởng thôn Tuấn nói ví von mà đầy thực tế.

Tâm Phùng – Công Điền

Báo Nông nghiệp Việt Nam – nongnghiep.vn