Nhận ra giá trị đặc biệt của cây chè Shan tuyết mọc trên rừng núi đá một cách hoàn toàn tự nhiên, không hề được người dân phun bón phân thuốc, trải qua nhiều năm tháng, cây chè ngày càng cô đọng lại được nhiều tinh chất quý. Anh Ngũ Xuân Huy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kim Thăng ở thị trấn Tam Sơn đang nỗ lực quảng bá cây chè Quản Bạ đến nhiều nơi trong và ngoài nước. Anh Huy cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018. HTX đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng vào xây dựng nhà xưởng và máy móc sản xuất. Chúng tôi nhập khẩu máy móc sản xuất từ Đài Loan về, gồm: Máy sao chè, máy vò, sấy nóng, ép bánh, máy hấp… Cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia sản xuất chè Đài Loan để sản xuất ra các loại trà cao cấp, có giá trị lớn ở Đài Loan như: Bạch trà, Hồng trà, Trà Phổ Nhĩ…”. Được biết cách chế biến, hái lá chè khá công phu, cần có kỹ thuật lên men, sấy khô ở từng giai đoạn để tạo nên các loại trà khác nhau về tính chất và mùi vị. Hiện nay HTX có 2 sản phẩm đạt 3 sao OCOP gồm: Bản shan hồng ngọc và Bạch mẫu đơn.
Anh Ngũ Xuân Huy, Giám đốc HTX Kim Thăng, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) giới thiệu sản phẩm trà
Anh Quách Ngạn Vĩ là người hỗ trợ kỹ thuật sản xuất chè cho HTX chia sẻ: “Lá chè ở Quản Bạ có thể nói là tốt nhất trong số những nơi tôi đã đến ở khắp Việt Nam. Tôi đã mang lá chè đến kiểm nghiệm tại Đại học Quốc gia Đài Loan, kiểm tra thử với hơn 470 loại chất cấm đều ở mức 0%. Chúng tôi đã đạt được Giấy chứng nhận SGS – đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước khó tính”. Theo anh Vĩ, lá chè ở đây có đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là do môi trường trong lành, chưa bị ảnh hưởng bởi phương thức sản xuất hàng hóa, người dân chỉ trồng chè theo cách truyền thống, cây mọc tự nhiên.
Mặc dù có nhiều giá trị quý nhưng cây chè Quản Bạ chưa được biết đến nhiều trên thị trường, một phần do thị hiếu của người tiêu dùng chưa quen biết với thương hiệu này, chưa biết đến giá trị và chất lượng của sản phẩm trà. Doanh thu bán trà của HTX hiện nay chỉ đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Trong khi hoạt động xuất khẩu trà gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Do đó, việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm là rất quan trọng, trong khi thanh niên địa phương đang yếu về khâu này nên chưa thể cho người tiêu dùng hiểu về giá trị và những phẩm chất quý của cây chè ở đây.
Để các sản phẩm đặc trưng của địa phương phát huy giá trị, Đoàn thanh niên và cấp ủy, chính quyền các cấp đang nỗ lực giúp đỡ các HTX trên địa bàn quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Bằng nhiều biện pháp như trưng bày tại các hội chợ thương mại, hỗ trợ tập huấn bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Qua đây mong rằng sẽ là đòn bẩy để giúp các HTX kết nối được với thị trường trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Lê Hải
Báo Hà Giang – baohagiang.vn