OCOP là chương trình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nhằm khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế sản xuất của các vùng miền. Mặc dù “xuất phát chậm” so với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc nhưng qua 5 năm triển khai chương trình OCOP, Nam Định được Trung ương đánh giá cao do đã bứt phá nhanh, mạnh cả về số lượng, chất lượng sản phẩm và đã tạo thêm nguồn lực tại chỗ để xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu… Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 431 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó riêng khối HTX đã có 120 sản phẩm, chiếm 28,2% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh. Các chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP nhất của tỉnh đều là HTX. Trong đó HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên) có 8 sản phẩm OCOP; HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tiến (Giao Thủy) có 6 sản phẩm OCOP; HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) có 6 sản phẩm OCOP; HTX Chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) có 3 sản phẩm OCOP… Điều này cho thấy vai trò của loại hình HTX trong Chương trình OCOP và phù hợp với mục tiêu quan trọng thứ nhất của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP của các HTX đều mang tính đặc trưng, tiêu biểu, đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh như: nước mắm, hải sản sơ chế, nấm ăn, rượu gạo, rau sạch, bánh đa, bún, miến, thịt lợn và thịt lợn chế biến…
Theo quy định, đối với sản phẩm sau 36 tháng được trao chứng nhận OCOP, phải được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đánh giá lại. Qua 2 lần đánh giá lại sản phẩm OCOP đã được công nhận của tỉnh thì tất cả các sản phẩm OCOP do HTX làm chủ thể đều được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp công nhận đạt chất lượng cao, phát triển thị trường tốt, đạt giá trị gia tăng gấp nhiều lần so với trước và luôn được đầu tư đổi mới, phát triển nâng cao tính cạnh tranh; không có sản phẩm nào không được cấp lại chứng nhận hoặc ngưng sản xuất. Thời gian qua, các HTX cũng tích cực sử dụng khai thác các ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP của các HTX đã được phân phối tại hệ thống các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Để đạt kết quả cao trong triển khai chương trình OCOP, Liên minh HTX tỉnh đã chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác chú trọng huy động các thành viên cùng tham gia chung sức đóng góp, xây dựng, nâng tầm các sản phẩm OCOP, ưu tiên sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đông đảo người dân; hướng các thành viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dịch vụ gắn với chuỗi giá trị; phát triển sản phẩm OCOP gắn với đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao”.
Thực tế cho thấy, khi tham gia chương trình OCOP giúp các HTX nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất; được hỗ trợ tư vấn phát triển, hoàn thiện sản phẩm; xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, các HTX trong tỉnh không ngừng huy động các nguồn lực để mở rộng phát triển sản xuất, hoàn thiện và gia tăng giá trị sản phẩm, quan tâm đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của nhiều sở, ngành chức năng như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, sản phẩm OCOP của các HTX được kết nối, mở rộng giao thương, bước đầu đã tiếp cận với thị trường xuất khẩu thông qua các hội chợ thương mại, sự kiện kết nối cung cầu. Cùng với đó, việc hình thành các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại nhiều huyện, thành phố đã giúp cho một số HTX trở thành đơn vị kết nối cung – cầu, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho các thành viên HTX. Như vậy, việc tham gia phát triển sản phẩm OCOP của các HTX có tác động “kép”, vừa hỗ trợ quá trình chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, vừa tham gia tích cực vào chuỗi giá trị gia tăng và hướng đến giá trị hội tụ, lan tỏa văn hóa, tài nguyên bản địa của mỗi địa phương.
Là một trong những HTX tiêu biểu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp đỡ nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo, HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) chuyên sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trong nhà màng, nhà lưới trên diện tích hơn 3.000m2 theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ đầu vào cho đến đầu ra. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng mô hình tưới nước phun sương, nhỏ giọt, lắp đặt các thiết bị điều chỉnh độ ẩm trong nhà nấm… nên cây nấm sinh trưởng và phát triển ổn định, cho năng suất cao, chất lượng tốt. HTX sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao gồm: nấm sò trắng, nấm sò nâu, nấm linh chi Xuân Thủy, mộc nhĩ thái sợi, nem nấm, giò nấm, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với sản lượng cung ứng ra thị trường trung bình mỗi năm khoảng 40 tấn nấm các loại, tổng doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, Liên minh HTX tỉnh phấn đấu mỗi HTX có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực sản xuất gắn với chuỗi giá trị được đánh giá xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ HTX; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham gia chương trình OCOP; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các HTX về phương thức quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, các HTX tiếp tục phát huy nội lực, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tập trung quản lý, xây dựng, phát triển các sản phẩm thế mạnh thành chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP; đồng thời tích cực nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao hơn cho HTX và thành viên./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Báo Nam Định – baonamdinh.vn