Đây là nguồn tài nguyên hấp dẫn để Giang Biên phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp bền vững, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân.
Mô hình thực tế và hiệu quả
Cách trung tâm Thủ đô khoảng 10km, vùng đất Giang Biên tuy đã lên phường nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ. Xưa kia, nơi đây nổi tiếng với nghề trồng rau, chuối; bện thừng, đan võng và đặc sản bánh đúc Kẻ Tạnh… Ngày nay, Giang Biên được biết đến là vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
Từ tháng 9/2022, 18 nông hộ ở Giang Biên đã tham gia Dự án “Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội – Mô hình du lịch nông nghiệp, một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập”. Với sự đồng hành của các chuyên gia thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt (VietED), GSRD Foundation (Hà Lan) và Quỹ châu Á (The Asia Foundation-TAF), dự án nhằm phát triển mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp tại Việt Nam.
Sau 15 tháng triển khai, mô hình VietHarvest AgriTour tại Giang Biên đã chính thức đón những đoàn khách đầu tiên. Mô hình gồm 3 sản phẩm chính: “Một ngày làm nông dân”, “Học kỳ nông nghiệp” và “Sống xanh – sống lành”. Trên cơ sở khai thác những lợi thế, tiềm năng sẵn có về môi trường cảnh quan, tập quán canh tác, nghề truyền thống, di tích lịch sử… mỗi sản phẩm đều hướng đến các đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, tour “Học kỳ nông nghiệp” giúp học sinh hóa thân thành một nông dân chính hiệu khi tìm hiểu những kiến thức cơ bản về các loại nông cụ, quy trình sản xuất nông nghiệp; trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại nông sản và chế biến món ăn… Tour “Sống xanh – sống lành”, “Một ngày làm nông dân” hướng tới đối tượng khách nội địa và quốc tế, chú trọng các trải nghiệm như tự nấu ăn và thưởng thức bữa trưa nông nghiệp; chế tạo sản phẩm thủ công truyền thống; thu hoạch, đóng gói rau; ủ rác nông nghiệp làm phân bón hữu cơ…
Nhiều du khách khi đến thăm Giang Biên đã rất ngạc nhiên khi thấy sự “lột xác” của cảnh quan nơi đây. Không còn là những cánh đồng, vườn rau trồng một cách tự phát, 18 hộ gia đình đã quy hoạch lại vườn ruộng, bố trí diện tích đất, xen canh các loại cây trồng, rau củ một cách khoa học; đồng thời xây dựng các nhà vườn tiêu chuẩn với lưới che, rào chắn, cổng chào và đặt những cái tên đầy vui nhộn như “Năm yêu thương”, “Nhàn nhã”, “Phác chân thành”, “Vườn nhỏ nhưng hạnh phúc to”…
Là một trong những hộ dân tham gia dự án, bà Nguyễn Thị Hoài Nam (tổ 5, phường Giang Biên) chia sẻ: “Từ khi tham gia dự án, chúng tôi không chỉ thay đổi phương thức canh tác để nâng cao năng suất cây trồng, tăng giá trị sản phẩm mà còn biết cách chuyển đổi mô hình sang phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững. Các chuyên gia cũng tập huấn cho chúng tôi cách giao tiếp với du khách; cách nấu, bài trí món ăn đẹp mắt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; cách quảng bá, marketing sản phẩm… Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình được cải thiện đáng kể”.
Còn bà Nguyễn Thị Năm (tổ 7, phường Giang Biên) cho biết, dự án không chỉ giúp người dân nâng cao nhận thức về du lịch mà còn giúp người dân Giang Biên khôi phục một số nghề truyền thống từng bị mai một như nghề bện thừng, đan võng hay cách làm bánh đúc Kẻ Tạnh. “Do nhu cầu cuộc sống thay đổi nên những nghề và đặc sản truyền thống này dần bị quên lãng trong một thời gian dài. Nhưng với gợi ý của nhóm chuyên gia, người dân Giang Biên đã cùng ôn lại cách đan võng, nấu bánh đúc để đưa vào sản phẩm tour, giúp du khách có thêm trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa, phong tục của vùng đất này. Qua đó, chúng tôi cũng muốn khơi dậy lòng tự hào về truyền thống của ông cha cho thế hệ trẻ” – bà Năm cho biết.
Tạo thế “chân kiềng” để phát triển bền vững
Tuy nhiên, để duy trì và phát triển bền vững mô hình VietHarvest AgriTour, người dân Giang Biên phải đối mặt với không ít khó khăn khi không còn đội ngũ chuyên gia hỗ trợ sau khi kết thúc dự án. Theo bà Trương Thị Bích Ngọc, chuyên gia đào tạo dự án, loại hình du lịch nông nghiệp đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng vẫn còn khá mới mẻ với nông dân và chính quyền địa phương. Để duy trì mô hình một cách hiệu quả, bền vững, người dân cần phải thay đổi tư duy, nâng cao năng lực phục vụ du lịch và vận hành sản phẩm, chuyên nghiệp hóa các kỹ năng… Muốn vậy, cần có sự đồng hành của chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm, kết nối nguồn khách, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch…
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Đổi mới sáng tạo Dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam cho rằng, vấn đề cốt lõi để mô hình ở Giang Biên cũng như các mô hình du lịch nông nghiệp khác ở Việt Nam phát triển bền vững là vai trò của người có uy tín trong cộng đồng – những người định hướng, dẫn dắt bà con đi đúng định hướng, cùng với đó là sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp. Đặc biệt, người dân phải là chủ thể vì họ chính là “linh hồn”, là người tạo ra giá trị của sản phẩm thông qua sự kết nối với các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Nếu bảo đảm được thế “chân kiềng” giữa nhà quản lý – doanh nghiệp – người dân, mô hình đó chắc chắn sẽ phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Linh Tâm
Nhịp sống Hà Nội – nhipsonghanoi.hanoimoi.vn