Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, nhận thấy những tiềm năng từ nghề này, năm 2018, ông Nguyễn Văn Thành, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái đã vận động các hộ nuôi ong trong xã liên kết thành lập HTX Ong Phổng Lái. HTX hiện có 13 thành viên với 2.000 đàn ong, chủ yếu là giống ong Ý và ong nội; năng suất bình quân đạt 30 kg mật/đàn/năm. Với hình thức nuôi tự nhiên, thu hoạch và bảo quản đúng quy trình, sản lượng và chất lượng mật ong ngày càng được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Ong Phổng Lái, thông tin: Năm 2019, sản phẩm mật ong và phấn ong của HTX được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Trung tâm Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản vùng 1 (Bộ NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Chú trọng chất lượng sản phẩm, HTX đã tạo điều kiện, hỗ trợ các thành viên đã tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức về phương pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong; kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm mật ong; tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi ong tại các huyện Mai Sơn, Sông Mã, Mộc Châu. Điểm đặc biệt là các thành viên HTX áp dụng phương pháp nuôi ong theo thùng kế, phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội so với nuôi ong ở thùng đơn truyền thống. Bởi nuôi theo thùng kế, đàn ong lớn nhanh; ong chúa có sức khỏe, tính tụ đàn cao, không nhiễm bệnh ấu trùng và ve ký sinh, nên năng suất mật cao; hàm lượng thủy phần dưới 20%, không có lẫn xác ấu trùng. Khi thu hoạch mật, người nuôi chỉ cần lấy các cầu ở tầng kế ra, không làm ảnh hưởng đến hoạt động đẻ trứng của ong chúa và nuôi dưỡng ấu trùng của ong thợ ở tầng trệt.
Với hơn 10 năm nuôi ong, anh Nguyễn Văn Tuân, thành viên HTX ong Phổng Lái, chia sẻ: Tham gia HTX, được trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc nên đàn ong gia đình tôi sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, cho nhiều mật. Hiện nay, gia đình tôi có 80 đàn ong; mỗi năm thu khoảng 1,2 tấn mật, trừ chi phí thu lãi gần 150 triệu đồng.
Theo chia sẻ của các thành viên, nuôi ong ngoài phải biết tận dụng điều kiện thiên nhiên thì cần am hiểu thời tiết các vùng. Muốn ong cho mật tốt cần di chuyển đàn theo mùa các loại hoa tại các vùng khác nhau. Theo đó, tháng 3 là mật hoa nhãn; tháng 4 đến tháng 5 là mật hoa dẻ; tháng 6 đến tháng 10 là các loại hoa rừng; tháng 11 là hoa cỏ lào. Khi mật chuyển sang màu cánh dán, các hộ nuôi ong sử dụng máy xét nghiệm chất lượng mật để đo tỷ lệ đường, nước, mật đúng quy chuẩn mới tiến hành lấy mật. Quá trình nuôi, HTX hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn ong; kiểm tra chất lượng ong và thu mua sản phẩm cho các hộ dân theo vòng mật.
Được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, HTX Ong Phổng Lái đã xây dựng phương án thiết kế bao bì sản phẩm, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, làm thủ tục để được công nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm mật ong của HTX hiện nay được đóng chai để bán ra thị trường. Năm 2022, sản phẩm mật ong của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Trung bình một năm, HTX thu hoạch 60 tấn mật, sản phẩm mật ong của HTX chủ yếu được thương lái thu mua; trừ chi phí, tổng thu nhập của HTX đạt hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi tại các cửa hàng bán lẻ ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác.
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, HTX Ong Phổng Lái đã trở thành HTX tiêu biểu về phát triển nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện Thuận Châu; xây dựng thành công sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương và trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh, giúp bà con nâng cao thu nhập.