Long Biên – Hà Nội: Phát huy nội lực trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, UBND quận Long Biên đã phối hợp với các sở, ngành thành phố xây dựng sản phẩm OCOP. Trong đó chú trọng phát huy nội lực của chủ thể, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo trong nhân dân.

Không ngừng chuẩn hóa, tăng giá trị sản phẩm

Ông Nguyễn Ngọc Vĩnh – Trưởng phòng kinh tế quận Long Biên cho biết, đối với chương trình OCOP, quận Long Biên tham gia hưởng ứng tích cực. Đến nay quận đã có 22 sản phẩm OCOP được Thành phố đánh giá đạt tiêu chuẩn (trong đó có 02 sản phẩm đạt 3 sao và 20 sản phẩm đạt 4 sao).

Các sản phẩm OCOP quận Long Biên đa dạng từ thực phẩm chế biến sâu như: xúc xích, giò gà, chả mỡ, ruốc heo… đến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như rau hữu cơ, xà phòng làm từ lá ổi, nước rửa tay khô từ lá ổi… Nhiều sản phẩm đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh. Một số chủ thể kinh tế như Công ty TNHH Hương Việt Sinh, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hữu cơ Tuệ Viên… đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất với đích đến là xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Long Biên: Phát huy nội lực trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Mô hình trồng rau hữu cơ của Công ty TNHH Hương Việt Sinh

Ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hương Việt Sinh chia sẻ, định hướng tham gia OCOP, đơn vị đã chủ động nghiên cứu mô hình nuôi gà hồ tự ấp, trang trại heo khép kín sản xuất đa dạng các sản phẩm thực phẩm chế biến sâu như gà ủ muối, giò gà, Pate, xúc xích, giò lụa, giò xào, giò mỡ, ruốc heo, chả cốm… Hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn ISO 22000 và hệ thống bếp ăn được vận hành theo tiêu chuẩn quốc gia 5S của Nhật Bản. Hiện, đơn vị đang có 18 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, cung cấp thực phẩm sạch cho hơn 100 trường học trên địa bàn TP Hà Nội, định hướng xuất khẩu sang thị trường Úc.

Long Biên: Phát huy nội lực trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn ISO 22000 và hệ thống bếp ăn được vận hành theo tiêu chuẩn quốc gia 5S Nhật Bản của Công ty TNHH Hương Việt Sinh

Tương tự tại chuỗi sản phẩm “Tôi là thảo mộc” của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hữu cơ Tuệ Viên. Nhờ chú trọng vào các sản phẩm hữu cơ thuận tự nhiên, không hóa chất, không biến đổi gen, sử dụng 100% giống bản địa và tăng cường ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số; đẩy mạnh bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử… Năm 2020, doanh nghiệp đã tạo ra chuỗi sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao của Hà Nội và tỉnh Hưng Yên được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Đánh giá về tính “chủ thể” của doanh nghiệp trong đổi mới, sáng tạo sản phẩm OCOP, bà Nguyễn Thị Phương Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hữu cơ Tuệ Viên cho rằng “OCOP ràng buộc người sản xuất, doanh nghiệp và nhà phân phối phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với sản phẩm do mình làm ra, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Đẩy mạnh xây dựng điểm tiêu thụ sản phẩm OCOP

Nhận định “nút thắt” lớn nhất trong tiêu thụ sản phẩm OCOP là do chưa chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. UBND quận Long Biên đã hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm OCOP xây dựng nhiều điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Trong đó, điểm trưng bày số 183 Ngô Gia Tự được bàn giao trực tiếp cho Công ty TNHH Hương Việt Sinh chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, đáp ứng thường xuyên, liên tục nhu cầu tham quan, mua sắm, kết nối giao thương của người dân. Ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hương Việt Sinh cho biết, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng nhằm nâng cấp cơ sở vật chất điểm trưng bày. Bước đầu đã tạo được hệ thống phân phối hiệu quả, thương hiệu các sản phẩm OCOP địa phương được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Long Biên: Phát huy nội lực trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại 183 Ngô Gia Tự

UBND quận Long Biên cũng đã phối hợp cùng Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tổ chức tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản, thực phẩm an toàn TP Hà Nội. Tuần hàng diễn ra từ ngày 10/8 đến ngày 14/8/2023 tại khu vực cổng làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Với quy mô trên 50 gian hàng, sự kiện đã mang đến cho người tiêu dùng cơ hội tiếp cận nhiều sản phẩm chất lượng, giá cả ưu đãi. Góp phần đưa hình ảnh quận Long Biên đến gần hơn với người dân và du khách trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Long Biên: Phát huy nội lực trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Khai mạc tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản, thực phẩm an toàn TP Hà Nội

Ông Vũ Xuân Trường – Phó chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, trong thời gian tới quận sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dự thi OCOP tiềm năng của địa phương như Ổi Phúc Lợi, Ổi Giang Biên, Ổi Cự Phối, các sản phẩm ví, thắt lưng làm từ da rắn làng nghề Lệ Mật. Đồng thời tiếp tục mở thêm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, các điểm trưng bày, kiot bán hàng tại khu vực chợ mới mở trên địa bàn quận, khuyến khích chủ thể phát triển thị trường trên các trang thương mại điện tử uy tín…. Mục tiêu đến năm 2024, Long Biên có trên 25 sản phẩm OCOP.

Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Thời gian qua, TP đã quan tâm, tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại; tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Thông qua các sự kiện, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn…

Minh Vân

Tạp chí Điện tử Làng nghề Việt Nam – https://langngheviet.com.vn/