Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội)-Chăn nuôi gắn với du lịch phát triển nghề hiệu quả

Không chỉ được biết đến là một ngôi làng cổ có lịch sử hàng nghìn năm, Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội) còn được biết đến như một danh xưng về ẩm thực, về tích truyện tâm linh lịch sử, về một làng nghề độc nhất của Việt Nam.

 

Lệ Mật- Chăn nuôi gắn với du lịch phát triển nghề hiệu quả - Ảnh 1.

Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch quận Long Biên (áo kẻ xanh) dẫn đoàn công tác quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng tham quan làng nghề Lệ Mật. Ảnh: VGP/TT

Về Lệ Mật, qua đình Thành Hoàng vào một sáng mùa thu, trong lòng chúng tôi không khỏi nao nao niềm xúc động, hoài tưởng khi đứng trên mảnh đất thiêng liêng, còn giữ nguyên nét cổ kính, trang nghiêm trong dòng chảy của đô thị hóa… Đã bao thăng trầm của năm tháng qua đi nhưng đến nay nét đẹp xưa cũ vẫn còn tồn tại và đặc biệt, nghề nuôi rắn trong làng vẫn được lớp lớp con cháu của cụ Hoàng (dân gian hay gọi cụ Lệ Mật) lưu giữ, bảo tồn và phát triển.

Nghề chăn nuôi rắn còn nhiều khó khăn

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX làng nghề Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên cho biết, làng nuôi rắn Lệ Mật là một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời của đất Kinh kỳ từ thế kỷ XI. Làng nổi tiếng với nghề săn bắt, chăn nuôi và chế biến rắn – một nghề độc đáo mà ít nơi có được.

Nghề bắt và nuôi rắn ở Lệ Mật theo tương truyền có từ hàng nghìn năm, gắn với tích truyện cứu công chúa con vua và thời kỳ “di dân lập ấp” của 13 làng trại phía Tây thành Thăng Long.

“Thuở xưa làng nổi tiếng với nghề bắt rắn do tiếp nối truyền thống của cụ Hoàng. Nhưng lớp con cháu thế hệ sau này đã hạn chế và dần ngưng việc bắt rắn do liên quan đến quy định về bảo tồn động vật hoang dã, vì vậy cư dân trong làng chuyển sang hình thức nuôi và chế biến ẩm thực về rắn. Để phát triển nghề nuôi rắn một cách chuyên nghiệp, trước đó làng cũng có mô hình HTX, sau đó giải thể và các hộ trong làng tự thành lập Câu lạc bộ làng nghề nuôi và chế biến rắn những năm 2015, 2016, nhưng cũng nhanh chóng giải thể mấy năm sau đó. Đến năm 2018, Lệ Mật đã chuyển hẳn sang thành lập HTX làng nghề Lệ Mật và phát triển đến hiện nay. Đây cũng là những nốt thăng trầm lên xuống của Lệ Mật trong dòng chảy thay đổi của thời cuộc, nhất là do ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa.

Theo ông Tuấn, nghề nuôi rắn mang lại giá trị kinh tế cao, vừa có ý nghĩa, tác dụng trong y học, vừa bồi bổ sức khỏe cho con người bởi mùi vị thơm ngon, nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi rắn của Lệ Mật đang đứng trước nhiều khó khăn, hạn chế. Do trước kia quỹ đất của làng còn rộng nên quy mô nuôi rắn khá lớn, việc xây dựng các chuồng, trại chăn nuôi phát triển, nhưng hiện quỹ đất thu hẹp dần do dân số đông. Số hộ chăn nuôi đã ít dần, có nhà chỉ còn nuôi hơn chục con hoặc 20 con, nhà nào đất rộng thì nuôi khoảng 50, 70 con. Hiện tại HTX có 35 thành viên, tuy nhiên có nhà không còn chuồng nuôi rắn nữa vì quỹ đất không còn, con cái họ cũng sinh trưởng lập gia đình nên buộc một số hộ phải dành đất cho con cái xây dựng nhà cửa. Thực tế trong làng chỉ còn 25 hộ nuôi và chế biến ẩm thực từ rắn. Trong đó, có một số hộ nuôi rất nhiều, mấy chục chuồng, tiêu biểu như: Hộ gia đình Quốc Triệu, nhà chị Hường, hộ Xuân Chu… vừa nuôi vừa kinh doanh nhà hàng. Số lượng nuôi khoảng 50 con, có nhà lên 70 con, chủ yếu là rắn Hổ mang, rắn ráo Trâu… Nếu đất rộng phải nuôi 100- 200 chuồng, số lượng 50- 70 chuồng chỉ đủ để sinh sản và cung cấp cho chính nhà hàng của các hộ phục vụ thực khách.

Hiện nay, ở Việt Nam, ngoài Lệ Mật, nghề nuôi rắn cũng rất phát triển trên khu vực Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có nhiều nhà đã giàu lên từ rắn. Tuy nhiên, ở đó không có thương hiệu làng nghề nổi tiếng và lâu năm như Lệ Mật, bởi làng Lệ Mật nổi tiếng từ xa xưa, khách quốc tế về làng tham quan rất nhiều nhưng quy mô chăn nuôi đang bị thu hẹp dần đi. Đây cũng là nỗi trăn trở của HTX.

“Du khách vào Lệ Mật tham quan rất nhiều nhưng chỉ vào khu trưng bày với các tiêu bản, sản phẩm du lịch chưa được đa dạng, phong phú và sinh động, các hộ thì chăn nuôi rải rác … Vì vậy, HTX rất mong muốn có một khu vực chăn nuôi rắn để giữ lấy nghề và kết hợp với phát triển du lịch. Khu vực chăn nuôi này chính là điều kiện cần và đủ để làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả trong tương lai”, ông Tuấn chia sẻ.

Lệ Mật- Chăn nuôi gắn với du lịch phát triển nghề hiệu quả - Ảnh 2.

Anh Trương Minh Khánh thành viên HTX làng nghề Lệ Mật bên chuồng nuôi rắn của gia đình. Ảnh: VGP/TT

Để gìn giữ, duy trì và phát triển nghề nuôi rắn, thế hệ trẻ hôm nay của làng Lệ Mật có rất nhiều gương ưu tú, trong đó có anh Trương Minh Khánh, là xã viên của HTX- một điển hình cho thế hệ trẻ rất nhiệt huyết để giữ nghề của ông cha.

Anh Khánh cho biết, gia đình anh vừa nuôi rắn vừa có nhà vườn ẩm thực Rắn Ráo. Gia đình anh đã nuôi rắn từ 20 năm nay, có quy mô khoảng 50 chuồng, với hai loại rắn Hổ mang và rắn Hổ trâu, số lượng này chủ yếu để phục cho nhà hàng.

“Tiếp nối truyền thống cha ông, tre già măng mọc, tôi cũng có rất nhiều tâm tư, nguyện vọng để gửi gắm và mong ước cho làng nghề phát triển. Đời cha ông đã gây dựng nên nghề nuôi rắn với bao vất vả, khó khăn, là thế hệ sau tôi rất mong mình sẽ góp phần phát triển thêm cho nghề, ngoài mở rộng quy chuồng nuôi sẽ là các nhà hàng để phục vụ nhu cầu, thị hiếu của du khách. Đặc biệt là phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống để giới thiệu đến du khách trong nước và quốc t, để khi mọi người tìm về Hà Nội sẽ tìm về Lệ Mật và trải nghiệm các món ăn ẩm thực từ rắn, cũng như có thêm các dịch vụ du lịch phát triển làng nghề và bảo tồn nuôi rắn.”, anh Khánh cho biết thêm.

Xây dựng khu bảo tồn rắn gắn với du lịch để phát triển bền vững

Bà Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch phường Việt Hưng, quận Long Biên cho biết, làng nghề Lệ Mật được các cấp, các ngành quan tâm rất nhiều từ cơ chế, chính sách và định hướng cũng như tạo cơ hội cho làng nghề, các hộ chăn nuôi phát triển.

Trước đây các hộ làm lẻ tẻ, mạnh ai người ấy làm, bây giờ đã có HTX, mô hình này so với CLB trước đây đã hoạt động bài bản, có hệ thống từ người đứng đầu hội đồng quản trị đến người phụ trách truyền thông, chăn nuôi, phát triển nhà hàng… Vì vậy, mô hình HTX đã có nhiều cố gắng, phát triển ưu việt hơn trước kia rất nhiều.

Lệ Mật- Chăn nuôi gắn với du lịch phát triển nghề hiệu quả - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX làng nghề Lệ Mật và bà Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch phường Việt Hưng, quận Long Biên giới thiệu các sản phẩm dây lưng, ví da… được làm từ da rắn. Ảnh: VGP/TT.

“Vai trò của lành đạo địa phương từ cấp quận, đến phường đều rất quan tâm đến phát triển làng nghề. Vì từ nhiều năm nay, vấn đề hạ tầng làng nghề luôn được lãnh đạo rất quan tâm, từ khâu điện đường trường trạm… đến định hướng phát triển lâu dài. Nhưng để làng nghề phát triển được bền vững, chính quyền cũng rất trăn trở để tìm được ra giải pháp phù hợp để quỹ đất để phát triển nghề vừa bảo đảm không nằm trong khu dân cư, bảo vệ an toàn cho người dân, đảm bảo môi trường nhưng vẫn phải duy trì được nghề truyền thống. Đây không phải là câu chuyện của hiện tại mà là câu chuyện từ rất nhiều năm nay, phường đang tính toán để linh hoạt hơn cho việc bố trí, hoặc động viên nhân dân để phát triển hình thức chăn nuôi không phải là thương mại như trước kia mà bảo tồn, để vừa làm sao đi đúng với định hướng phát triển làng nghề mà vẫn phù hợp với quy hoạch chung.

Theo ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên, hiện nay HTX làng nghề Lệ Mật cũng có những khó khăn, bản chất những người tham gia HTX đều là những người yêu nghề truyền thống của ông cha, nếu chỉ làm để vì lợi nhuận kinh tế thì thực tế các thành viên còn đang loay hoay, do đặc trưng của làng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Các nghề truyền thống khác đầu vào đầu ra rất thuận lợi nhưng làng nghề Lệ Mật còn chịu sự chi phối của rất nhiều quy định khác nhau. Trong quá trình đô thị hóa thì quỹ đất nuôi rắn đã bị ảnh hưởng, điều đó cũng ảnh hưởng đến số lượng hộ nuôi, có nhiều hộ chỉ nuôi để giữ nghề, tránh bị mai một.

Trước đây, quận Long Biên đã xây dựng Đề án để phát triển làng nghề, hỗ trợ bà con làm logo, các hộ kinh doanh có các tiêu chuẩn về chuồng trại nuôi rắn. Sau đó hỗ trợ về đồng phục, biển hiệu, đào tạo tập huấn… nhưng do nhiều yếu tố nên nay quận đã dừng không triển khai đề án. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là làng nghề sẽ bị mai một, mà quận luôn luôn tìm giải pháp để làng nghề phát triển hiệu quả nhất.

Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch quận Long Biên cho biết, nghề chăn nuôi rắn hiện nay của Lệ Mật đang gặp một số vướng mắc do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nên diện tích chăn nuôi rắn của Lệ Mật càng ngày càng giảm, mà theo quy định của Thành phố là không cho phép chăn nuôi trong khu vực dân cư. Con rắn lại là một loài rất đặc thù, là động vật có nguy cơ gây nguy hiểm. Vì vậy việc quản lý cũng khá khó khăn, nhu cầu ẩm thực giảm, địa điểm chăn nuôi hiện đã thu hẹp dần dẫn đến các nhà hàng, các hộ chăn nuôi cũng bị thu hẹp về số lượng. Trước đây các hộ chăn nuôi tại Lệ Mật có khoảng hơn 40 hộ, nhưng nay chỉ còn khoảng 25 hộ chăn nuôi, mà cả làng Lệ Mật có 6.000- 7.000 dân. Như vậy chỉ còn khoảng 0,1% hộ chăn nuôi rắn. Đây là con số rất đáng suy nghĩ. Nguyên nhân là người dân không còn mặn mà với nghề nữa và do nhu cầu tiêu thụ không nhiều như trước, rượu rắn ít người dùng, nuôi rắn cũng có một số nơi nuôi nhiều hơn Lệ Mật, các điều kiện, quy định ngặt nghèo từ vấn đề về Kiểm lâm, Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, vấn đề thị trường, Y tế… Những yếu tố này đã tạo tâm lý khiến các hộ chăn nuôi không còn tha thiết với nghề nữa. Vì vậy, quận và phường rất quan tâm, động viên để mọi người luôn yêu nghề, giữ nghề truyền thống. Con rắn có rất nhiều công dụng, và bàn tay của người Lệ Mật vô cùng tài hoa, nên lãnh đạo luôn động viên bà con giữ nghề, phát triển nhiều sản phẩm khác từ rắn chứ không phải chỉ có mỗi ẩm thực.

Để phát triển nghề bền vững và hiệu quả, hiện nay quận Long Biên đã xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề và tìm hướng đi mới, tập trung vào việc cung cấp sản phẩm du lịch với nhiều sản phẩm đa dạng, chứ không phải chỉ có mỗi ẩm thực như trước đây, trong đó sẽ “đánh” vào thị giác của du khách nhiều hơn. Điển hình như quận sẽ tập trung vào vấn đề phát triển các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa vật thể và phi vật thể; thưởng thức ẩm thực cũng đa dạng hóa các sản phẩm ngoài rắn ra còn có sản phẩm đặc sắc khác. Đặc biệt là việc nghiên cứu hình thành khu vườn bảo tồn rắn tại Lệ Mật để tạo thành điểm nhấn trong làng. Ngoài các tiêu bản trong khu trưng bày thì sẽ có khu vực rắn được nuôi tập trung để giới thiệu đến với du khách. Khu vực nuôi rắn vừa có không gian phát triển nông nghiệp vừa có khu chăn nuôi, bảo tồn rắn, khu trình diễn rắn… để phục vụ cho rất nhiều đối tượng từ học sinh đến thăm quan trải nghiệm đến khách từ các tỉnh, thành và quốc tế. Đây cũng sẽ là kênh kết nối với các nhà hàng ẩm thực rắn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, do sản phẩm làng nghề và du lịch chưa đa dạng nên quận đang đẩy mạnh xúc tiến với các cơ sở chăn nuôi rắn khác như kết nối với trại rắn Đồng Tâm của Tiền Giang với dự kiến đưa Lệ Mật trở thành đại lý cho các sản phẩm của Đồng Tâm, hay xúc tiến thương mại với khu nuôi rắn của Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó đưa Lệ Mật trở thành trung tâm của khu vực nuôi và bảo tồn rắn trong nước. Về chiến lược dài hơi, Long Biên sẽ liên kết xúc tiến với Thái Lan, Trung Quốc… để mở rộng quy mô, thị trường phát triển, xây dựng và đưa Lệ Mật thành điểm du lịch làng nghề nổi tiếng với đặc trưng độc đáo của chính mình. “Nhắc đến Lệ Mật du khách sẽ biết đến rất nhiều các sản phẩm làng nghề, du lịch phong phú, đa dạng… Tới đây, chúng tôi sẽ đưa một số sản phẩm chế biến từ rắn như ví, dây lưng, túi xách… chế biến từ da rắn để đạt chuẩn sản phẩm OCOP”.

Thiện Tâm

Cổng TTĐT Chính phủ/Trang Thủ đô Hà Nội – https://thanglong.chinhphu.vn/