Lào Cai: Khẳng định vị trí đầu tàu về du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng Sa Pa (Lào Cai) đang được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng bởi cung cấp những trải nghiệm chân thực cho du khách, đồng thời mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Những ngày này, Homestay Hoa Chanh ở thôn Tả Van Giáy 2 (xã Tả Van) thường xuyên đón các đoàn khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Tại homestay, du khách không chỉ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thơ mộng của thung lũng Mường Hoa mùa lúa chín, mà còn được khám phá những nét văn hóa đậm bản sắc khi cùng người dân địa phương ăn uống, sinh hoạt, lao động.

Sau gần chục năm làm dịch vụ, anh Sần Văn Mừn – chủ homestay – tự đúc kết những kinh nghiệm cho mình đó là khách du lịch nước ngoài khó mà lại dễ, họ thích nhất là có không gian riêng tư và được trải nghiệm những gì thật nhất trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc.

Với lượng khách ngày càng tăng, vừa qua anh Mừn tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm các bungalow (kiểu nhà diện tích nhỏ), cải tạo cảnh quan xung quanh nhà. Gia đình anh cũng liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, đưa thông tin về Homestay Hoa Chanh lên các trang du lịch uy tín để có nguồn khách ổn định.

Homestay của gia đình ông Dì Văn Sẩu ở thôn Tả Van Giáy 1 cũng là một trong những mô hình làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở xã Tả Van. Ông Sẩu cho biết: Trong một lần có đoàn khách về thăm thôn, thông qua hướng dẫn viên phiên dịch, họ hỏi gia đình tôi có đón khách không.

Lúc đó tôi lo lắng vì chưa biết làm thế nào nhưng khách bảo thích ở cùng gia đình để trải nghiệm cuộc sống. Sau đó, gia đình tôi đã sửa sang lại nhà cửa, đầu tư nhà vệ sinh, ngăn các gian ở tầng 2 thành phòng riêng cho khách có nhu cầu ở riêng tư.

Ông Sẩu cũng giữ lại những vật dụng gắn bó với cuộc sống, lao động của đồng bào Giáy như khung cửi, cối nước giã gạo, cối xay ngô, thóc… để du khách được trải nghiệm, khám phá.

Tại bản du lịch Cát Cát, không chỉ dịp lễ hoặc cuối tuần mà ngay ngày thường thì nơi đây cũng đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan, trải nghiệm. Cộng đồng các dân tộc nơi đây có nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo như nghề chạm khắc bạc, nghề thêu và dệt thổ cẩm, làm nến sáp ong, thảo dược…

Trước đây, bà con chỉ sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình là chủ yếu, nhưng từ khi có du lịch, các sản phẩm nghề truyền thống này đã được khai thác và tạo ra những sản phẩm quà tặng lưu niệm độc đáo phục vụ khách du lịch…

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Thị xã Sa Pa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Từ năm 1998, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới đã tiến hành đề tài nghiên cứu Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo tại Sa Pa. Đến năm 2006, Tổ chức Bánh mì thế giới hỗ trợ Sa Pa xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm tại 2 xã Bản Hồ và San Sả Hồ (nay là xã Hoàng Liên). Các hoạt động hỗ trợ của dự án gồm: Đầu tư nhà du lịch cộng đồng, đào tạo nhân lực, khai thác các giá trị văn hóa bản địa phục vụ du lịch.

Sau 2 năm đi vào vận hành, mô hình du lịch cộng đồng do Tổ chức Bánh mì thế giới hỗ trợ triển khai đã được chứng minh là hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa. Riêng tại xã Bản Hồ, trong năm 2008 đã đón 5.682 lượt khách, tăng 1.628 lượt so với năm 2006; doanh thu bình quân từ các cơ sở lưu trú tại Bản Hồ đạt hơn 142 triệu đồng/hộ.

Thị xã Sa Pa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa

Bản Hồ cũng thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng nhằm gắn kết các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng phối hợp thực hiện các dịch vụ tại cộng đồng; gây dựng được quỹ phát triển du lịch cộng đồng với số tiền 20 – 45 triệu đồng nhằm duy trì bộ máy hoạt động của Ban Quản lý du lịch cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các hộ tham gia các dịch vụ du lịch. Hoạt động du lịch cộng đồng vào thời điểm đó đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 56 hộ tham gia trực tiếp vào loại hình lưu trú tại gia và nhiều việc làm gián tiếp cho các hộ trong thôn.

Trên cơ sở bài học thành công của 2 mô hình du lịch cộng đồng tại Bản Hồ và San Sả Hồ, huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) đã tiếp tục chỉ đạo, định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn có tiềm năng.

Với sự quan tâm của tỉnh, sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, du lịch cộng đồng tại Sa Pa ngày càng phát triển. Để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Sa Pa, năm 2009, UBND tỉnh đã công nhận 3 tuyến, 9 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Sa Pa. Từ năm 2018 đến nay, Sa Pa có 14 điểm du lịch chính thức được công nhận.

Từ khi được thành lập, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Sa Pa luôn thu hút khoảng 800 nghìn đến 1,4 triệu lượt khách, trong đó đông nhất là điểm du lịch làng nghề Cát Cát và điểm du lịch thung lũng Mường Hoa.

Trong số các xã có điểm du lịch đã được công nhận, Tả Van là điểm du lịch có nhiều loại hình dịch vụ nhất, với 167 cơ sở, trong đó có 94 cơ sở kinh doanh homestay, 17 cơ sở ăn uống, 16 cơ sở kinh doanh quà lưu niệm, 8 cơ sở tắm thuốc, mát xa và 32 cơ sở kinh doanh khác.

Tiếp theo là điểm du lịch cộng đồng xã Tả Phìn với 88 cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ, trong đó có 47 cơ sở kinh doanh homestay, 4 cơ sở ăn uống, 4 cơ sở kinh doanh quà lưu niệm, 8 cơ sở tắm thuốc, mát xa và 30 cơ sở kinh doanh khác.

Cùng với sự phát triển của dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận, một số địa phương có tiềm năng như các xã Mường Hoa, Hoàng Liên, Ngũ Chỉ Sơn… cũng bắt đầu đầu tư phát triển các dịch vụ.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Sự phát triển của du lịch cộng đồng, di tích và danh thắng đã tạo ra chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương khi tham gia thị trường lao động, việc làm trong lĩnh vực du lịch và du lịch cộng đồng.

Tác động của du lịch cộng đồng có thể nhìn thấy rõ là tạo môi trường phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống của các dân tộc Lào Cai, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống người dân ở các thôn, bản.

Mạnh Dũng

Báo Lào Cai – baolaocai.vn